SỐNG TRONG TỪNG HƠI THỞ (P.8 VÀ HẾT)

Đăng bởi Thích Thiện Định vào lúc 25/09/2019
SỐNG TRONG TỪNG HƠI THỞ (P.8 VÀ HẾT)

QUẢ VỊ

Phần cuối của bản kinh, Đức Phật đề cập đến quả vị chánh trí mà người thiền giả có thể chứng đạt được ngay trong giờ phút hiện tại. Thành quả đưa đến một cách tự nhiên không mong cầu từ công phu tu trì tinh tấn. Quả vị chánh trí (còn gọi là vô sinh, hay bất sinh) là quả vị thứ tư và cũng là quả vị cao nhất trong tứ quả thanh văn, tức là sự chứng đắc A La Hán (viên mãn tuệ). Chữ A La Hán có thể được hiểu là một bậc đạo sư xứng đáng được mọi người cúng dường và kính nể. Đây là người đã thật sự trừ diệt được tất cả mọi não phiền trên cõi thế gian ta bà này.

Đức Phật cũng nhấn mạnh về quả vị bất lai (không còn trở lại) mà người thiền giả có thể chứng đạt được cho kiếp mai sau, nếu như vẫn còn sót lại những dư báo trong quá trình tu tập bốn lãnh vực quán niệm. Dư báo ở đây có nghĩa là sau khi người ấy đã tận diệt 2 kiết sử là tham và sân, nhưng trong tâm thức vẫn còn ít nhiều vướng mắc ở những si mê, ngã mạn, trạo cử và nghi ngờ. Quả vị bất lai là quả vị thứ ba trong tứ quả thanh văn, tức là sự chứng đắc A Na Hàm (viên mãn định). Đạt được quả vị chứng đắc A Na Hàm sẽ không còn phải trở lại nơi chốn trần gian ta bà này nữa.

Đức Phật còn nhấn mạnh thêm rằng, không cần phải tu trì cho đến bảy năm mới có thể chứng đắc được quả vị bất sinh. Có thể chứng đạt được quả vị chánh trí A La Hán trong thời gian tu tập sáu năm, năm năm, bốn năm, ba năm, hai năm, một năm, hay có thể ngắn hơn như hai tháng, một tháng, nửa tháng, bảy ngày.

Kết thúc buổi thuyết giảng về Kinh Bốn Lãnh Vực Quán Niệm, Đức Phật một lần nữa nhấn mạnh về mục đích và thành quả của công phu tu trì pháp quán tứ niệm xứ:

– Thanh tịnh hoá thân tâm trước cuộc sống náo động

– Vượt thắng những phiền não tâm linh

– Diệt trừ những ưu tư sầu khổ trước cuộc đời

– Đạt đến con đường chánh pháp của sự hiểu biết

– Thể nhập Niết Bàn tâm linh ngay trên cõi đời này

Những thành quả đây được xem là những hoa trái tự nhiên đã gặt hái được do kết quả tu trì tinh tấn. Đó là những gì thực hữu nhiệm mầu có thể chứng nghiệm được ngay trong giờ phút hiện tại.

Hãy tinh chuyên bền chí và vững tâm hành trì trong từng sát na của cuộc sống. Hãy tin tưởng vững mạnh sự hành trì bốn lãnh vực quán niệm sẽ đưa chúng ta đến bến bờ giải thoát ngay trong kiếp đời này, chứng nghiệm sự vô thường, khổ và vô ngã của ngũ uẩn tự thân, từ đó soi thấu rõ bản chất thật của cuộc đời, của con người, của vũ trụ.

Hãy ghi nhớ rằng, phương thức tu tập bốn lãnh vực quán niệm có thể được thực tập trong bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Không nhất thiết chỉ phải thực tập trong lúc thiền tọa. Cách thức tu trì dựa trên con đường giải thoát trung đạo, không tham đắm dục thú, không nhàm chán sự đời, không sợ hãi cuộc sống. Sống để mà sống. Sống và ý thức về sự sống trong từng mỗi phút giây thực tại.

Hãy nhất tâm tinh chuyên hành trì pháp quán tứ niệm xứ một cách đúng đắn. Soi thấu bản chất vô thường của tất cả mọi sự vật. Trực nghiệm bản chất khổ của cuộc đời người, tánh vô ngã của ngũ uẩn tự thân. Thụ động ghi nhận và chú tâm quán sát về quá trình sinh khởi, tăng trưởng, suy giảm và hoại diệt của mọi hiện tượng liên quan đến thân, thọ, tâm, pháp trong từng mỗi phút giây vô thường.

Cố gắng thực tập sống trong phút giây hiện tại, ý thức tỉnh giác trong từng mỗi sát na của cuộc sống. Cảm nghiệm sự mầu nhiệm của ánh sáng tỉnh thức. Cố gắng tu dưỡng định lực và tỉnh giác chánh niệm, vượt thoát những phiền não tâm linh và những chấp cứ buộc ràng của ngũ uẩn. Thực tập sống và an nhiên sống với đời. Hãy nhìn thẳng vào thực tại, đón chào thực tại, với tất cả từ bi và khiêm tốn. Sống và thực tập sống với nghệ thuật thức tỉnh của thiền học. Sống để mà sống và sống đúng ý nghĩa của cuộc sống làm người.

Hãy thực tập an nhiên thanh thoát sống. Sống vẫn cứ sống. Sống để mà sống. Tinh tấn tu tập tỉnh giác trong giờ phút hiện tại và thường xuyên quán niệm về vô thường, khổ và vô ngã của ngũ uẩn tự thân. Thực tập sống trong tỉnh thức và thản nhiên đón chào cuộc đời. Với ý thức chánh niệm, với hơi thở tỉnh giác, với niềm vui khinh an, ta nhìn cuộc trần đời như một bình minh sáng, như mây trắng nhìn trăng, như gió lặng nhìn trời.

Và khi sự việc đến, hãy an nhiên ra đi, hãy thanh thản trở về. Một sự trở về với miền xưa A Lan Nhã…….

Tags :

LỜI PHẬT DẠY
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: