Tùy duyên là linh động, là không cố chấp

Đăng bởi Thích Thiện Định vào lúc 23/08/2017
Tùy duyên là linh động, là không cố chấp

Bởi tùy duyên là linh động, là không cố chấp. Mình khổ là vì cố chấp, mà cố chấp là không biết tùy duyên. Đã hiểu rõ được lẽ thật như trên, không có cái gì gọi là toàn vẹn, không có cái gì là cố định thì cố chấp làm gì? Mình làm sao cho cuộc sống linh động sáng ngời, chớ còn khư khư ôm chấp một chỗ, đó gọi là bệnh.

Ở trong nhà Nho có câu chuyện: Ông Lưu Ngưng Chi một hôm đang đi thì bất thần có người lại nhận lầm ông mang đôi giày của họ. Giày của mình đang mang mà họ nói mình mang lầm giày của họ thì phải sử xự sao? Ông nghe vậy liền cởi giày đưa cho họ :“Giày của ông thì thôi ông cứ nhận đi”. Nhưng sau đó người này tìm thấy đôi giày của họ, liền vội vàng đem giày trả lại ông nhưng ông nhất định không nhận : “Anh nhận rồi thôi là của anh, tôi không nhận”.

Rồi có một trường hợp giống như vậy, ông Thẩm Lân Sĩ một hôm đang đi cũng có người cũng lại nhận lầm ông đi giày của họ, ông cũng cởi ra đưa cho họ. Nhưng sau đó biết lầm, họ tới trả ông thì ông vui vẻ : “Không phải của anh hả, thôi tôi nhận”.

Vậy quí vị muốn bắt chước theo ai ? Ông Tô Thức, tức Tô Đông Pha, có lời bình rằng : “Việc này tuy là việc nhỏ mọn, song ở đời ta nên cư xử như ông Lân Sĩ, không nên như ông Ngưng Chi.” Bởi vì sao? Đôi giày của mình đang mang mà có người đến nhận của họ, mình sẵn sàng cởi cho, cái đó là thật quí rồi. Nhưng người ta biết lầm rồi và người ta đem trả thì phải cảm thông nhận cho họ hối lỗi, chớ bây giờ người ta biết lỗi rồi mà mình không tạo cái duyên cho họ sửa, cứ khư khư ôm giữ cái phải của mình hoài thì sao? E có lúc cũng không được phải.

Ở đây người ta biết lỗi rồi, biết lầm rồi, thôi thì cứ nhận có phải tốt không, ổn không? Còn mình cứ khư khư không nhận để cho họ hối hận trong lòng hoài thì đâu có tốt. Khéo biết như vậy đó là hiểu được linh động tùy duyên, còn cái kia là cố chấp. Tuy là tốt nhưng mà cố chấp cái tốt thành ra cũng không được trọn tốt.

Đó là nói về bên Nho, còn trong nhà thiền thì có Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc, sư rất nổi tiếng, ai nấy đều ca tụng sư là một con người rất trong sạch, rất tốt. Ở gần chùa sư có một gia đình bán thực phẩm, một hôm gia đình này phát hiện cô con gái của họ có thai, gia đình nổi giận đánh mắng hỏi ai là tác giả cái bào thai đó thì cô nói là Bạch Ẩn. Cha cô nghe nói vậy, quá giận tìm tới chùa gặp sư. Ông xổ ra đủ những lời nặng nề nhất trên đời. Sư nghe như vậy chỉ nói :“Thế à!” Vậy thôi.

Sau khi đứa bé được sanh ra, gia đình này mang tới chùa giao cho sư thì sư cũng nhận. Sau một thời gian nuôi đứa bé sư bị mất hết tiếng tăm, không còn ai nghĩ tới sư nữa.

Một thời gian sau, cô gái cảm thấy bị ray rứt trong lòng chịu không nổi, cô mới thú thật là cha đứa bé không phải là Bạch Ẩn mà là một chàng thanh niên bán cá ngoài chợ. Nghe tới đó cha mẹ cô mới bật ngửa, hoảng sợ lật đật tới chùa để sám hối và xin đứa bé trở lại. Lúc đó Thiền sư Bạch Ẩn cũng chỉ nói :“Thế à!” Vậy thôi, đơn giản.

Đó là tùy duyên, mà tùy duyên thế này mới thực sự là tùy duyên, tùy duyên cao tuyệt. Được, mất tiếng tăm không thành vấn đề, nhận việc đó coi như tiếng tăm mất hết rồi, như mình thì buồn biết bao nhiêu nhưng với sư chỉ “thế à!” là xong. Bởi vì sư thấy không có gì quan trọng, người nói oan, người bị lầm thì sư cũng vẫn thản nhiên không buồn lòng gì hết. Khi nhận đứa bé sư không buồn giận, mà trả đứa bé cũng không trách mắng,

Tùy duyên theo kiểu này thì ở trong đây ai bắt chước được? Đó là vì sư thấy rõ trên đời này không có gì quan trọng, nhất là không có “cái ta”. Không có cái ta thì lấy cái gì mà được mà mất, có được có mất là bởi vì có cái ta này, “ta được” tiếng tăm, bây giờ “ta mất” tiếng tăm, còn không có cái ta thì cái gì mất? ai mất? Thấy rõ vậy nên đối với sư được mất tiếng tăm không thành vấn đề, nhận đứa bé cũng thản nhiên, trả đứa bé cũng thản nhiên thôi.

Trong kinh Viên Giác có câu: “Thân này còn chẳng thật có thì yêu ghét từ đâu sanh?” Cái thân còn chẳng thật có thì cái yêu cái ghét từ đâu mà sanh, bám vào đâu mà có? Sở dĩ mình thấy có yêu có ghét, có được có mất là bởi vì thấy có cái ta này. Nếu cái ta này không thật thì lấy gì được mất, yêu ghét ? Thấy rõ như vậy mới thật sự biếttùy duyên. Tùy duyên này là một điểm rất sâu.

Trích Sống Với Hai Chữ Tùy Duyên - HT. Thích Thanh Từ

Tags :

HÒA THƯỢNG THANH TỪ
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: