Trở về giây phút hiện tại

Đăng bởi Thích Thiện Định vào lúc 23/08/2017
Trở về giây phút hiện tại


Họ không có thảnh thơi, không có tự do. Ví dụ một thiếu nữ bị hãm hiếp trong thời còn thơ ấu, và nỗi đau buồn đó còn hằn trong thân và tâm của cô. Hằng ngày cô không có khả năng sống trong giây phút hiện tại. Cô không thấy trời xanh rất đẹp, cô không thấy được mây trắng rất xinh, cô không thấy được hoa nở, cô không nghe được tiếng chim hót và tiếng thông reo. Người đó bị quá khứ trấn ngự. Muốn đừng bị quá khứ trấn ngự nữa thì người đó phải phá bỏ ngục tù quá khứ và trở về giây phút hiện tại. Cô có thể nhờ một người khác nhắc cô rằng chuyện bị hãm hiếp đã xảy ra trong quá khứ. Chuyện đó bây giờ không còn nữa, bây giờ cô đang có an ninh, cô phải tự nhắc mình: Bây giờ không có chuyện đó nữa, nó đã là quá khứ. Nhưng tại vì quá khứ đó giống như một cuốn phim quay ở dưới tiềm thức và mình cứ chui vào để xem cuốn phim đó để đau khổ rồi khóc. Đó không phải là sự thật, nó chỉ là những cuốn phim. Trong khi đó thì hiện tại là sự thật. Trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở là những chuyện có thật. Mình không có khả năng sống với những sự thật đó mà cứ chui vào trong hầm tối để coi lại cuốn phim, coi lại và coi lại nữa. Mình không có thảnh thơi, không có tự do.


Khi thở một hơi kéo dài chừng ba hay bốn giây mà mình để hết tâm vào trong hơi thở thì trong thời gian ba hay bốn giây đó mình buông được quá khứ và mình có tự do. Tâm nhất điểm (one pointed mind) có nghĩa là tâm chỉ có một đối tượng là hơi thở vào. Nếu trong hơi thở vào đó có niệm và định, mình hoàn toàn chuyên chú vào hơi thở thì trong bốn giây đó mình có tự do tại vì mình buông bỏ được quá khứ.
Tương lai cũng vậy, nó cũng ràng buộc mình. Mình không biết ngày mai ra sao? Có ai để cho mình nương tựa không? Cái gì sẽ xảy ra cho mình? Mình buồn khổ cho tương lai, tương lai trở thành tù ngục cho dù nó chưa tới và mình sợ hãi tương lai. Quá khứ hay tương lai đều là những sợi dây ràng buộc. Khi mình bắt đầu thở và chỉ chú tâm vào hơi thở thì trong một, hai, ba hay bốn giây đó mình buông hết quá khứ. Mình chỉ ở trong giây phút hiện tại, tại vì hơi thở vào đó đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Mà nếu có được tự do trong bốn giây thì mình sẽ có được tự do trong tám giây, tại vì khi thở ra mình cũng chú tâm vài hơi thở ra và không để tâm trở về quá khứ hay đi tới tương lai. Tư duy thường kéo mình về quá khứ hay tương lai nên mình phải chấm dứt tư duy.
Khi có tự do thì ta có hạnh phúc. Hạnh phúc là tiếp xúc được với những cái hay, cái đẹp, cái mầu nhiệm, cái tươi mát, cái nuôi dưỡng đang có trong giây phút hiện tại. Mỗi người trong chúng ta là một chiến sĩ. Ta phải dùng gươm trí tuệ để chặt đứt những sợi dây ràng buộc ta với quá khứ hay cột ta vào tương lai. Tự do là sự thực tập của chúng ta. Không phải sau khi thực tập mười năm thì chúng ta mới có tự do. Tự do đó, tuy còn ít, nhưng chúng ta có thể có liền được. Ngồi một mình ta có thể nói chuyện với em bé trong mình. Em bé đó muốn ta chú ý tới, nó hay kéo ta trở về quá khứ để gặm nhấm lại những đau thương. Ta phải trở về với em bé đó để nói chuyện với nó: Em bé ơi, tôi biết là em đang có đó trong tôi. Vì em đòi sự chú ý nên tôi đã trở về với em đây. Em bị thương rất nặng. Nhưng em nên nhớ rằng tôi cũng là em và em đã trưởng thành. Chuyện đau buồn của em là chuyện quá khứ. Hiện tại rất đẹp, có trời xanh, mây trắng, thông reo, hoa nở. Em phải cầm tay tôi ra khỏi quá khứ và đi vào trong giây phút hiện tại.
Tăng thân, những người tu với mình, giúp mình làm chuyện đó. Chúng ta giúp nhau đi ra khỏi ngục tù của quá khứ hay sự lo lắng về tương lai để an trú trong hiện tại. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân đều có khả năng đem lại sự giải thoát, đem lại tự do. Niệm, định, tuệ là một thanh gươm rất sắc có thể chặt đứt những sợi dây. Hơi thở hay bước chân của mình có thể là những lưỡi gươm cắt đứt những sợi dây ràng buộc mình với quá khứ hay với tương lai.
Nếu nói chuyện trong khi đi là mình để câu chuyện hay sự suy tư kéo mình về quá khứ, kéo mình tới tương lai. Mình không có cơ hội để tranh đấu cho tự do. Có thảnh thơi, tự do rồi thì mình mới có an lạc, hạnh phúc. An lạc không phải là cái xa vời mình đạt được sau sáu năm thực tập. Mỗi hơi thở mà có chánh niệm và chánh định đều đem tới an lạc, tại vì mình tiếp xúc được với những mầu nhiệm của sự sống trong giây phút hiện tại.
 

HT. Thích Nhất Hạnh

Tags :

CHÁNH NIỆM
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: