Pháp là bản chất của thiên nhiên

Đăng bởi Thích Thiện Định vào lúc 08/09/2017
Pháp là bản chất của thiên nhiên

 

Pháp là bản chất của thiên nhiên. Đây được gọi là "Sacca Dhamma", Pháp của chân lý và sự thật.

Khi nhìn ngắm thiên nhiên, người ta có thể đọc được thông điệp của Giáo Pháp trong đó. Khi học hỏi về Giáo Pháp, người ta thấy Pháp vận hành trong thiên nhiên. Thiên nhiên luôn gửi cho ta những thông điệp về Giáo Pháp.

Vậy thì việc chỉ tập trung vào kinh văn sách vở để học thật nhiều sẽ không thể giúp ta tinh tấn bằng việc song song quán sát những thông điệp quan trọng của Pháp mà thiên nhiên liên tục từng giờ từng phút gửi cho ta; rằng cuộc đời chỉ là một chu kỳ bất tận của sinh tử luân hồi. Nếu chúng ta luôn sống trong chánh niệm và tỉnh giác thì cho dù ta có đi, đứng, hay nằm ngồi gì đi chăng nữa, trí huệ và tri kiến luôn được phát sinh trong ta. Nghĩa là, sự thật về pháp, về chân lý đã có sẵn trong mỗi con người chúng ta rồi. Thức A Lại Da trong ta chứa đựng tất cả.

Hiện nay, ngay giờ phút này, Đức Phật vẫn đang sống, vì Ngài chính là Pháp chân thật luôn hiện hữu chỉ đường cho chúng ta trở thành Phật giống như Ngài. Pháp không chạy trốn hay chơi trò ú tim với chúng ta, mà sẽ chỉ cho ta hai vị Phật. Một vị Phật bằng xương bằng thịt đã được sinh ra trong lịch sử cách đây 2500 năm (báo thân Phật) và một vị Phật trong tâm trí đang chỉ cho chúng ta thấy giáo pháp nhiệm mầu thông qua sự vận hành của thiên nhiên và vũ trụ (Pháp thân Phật).

Đức Phật đã bảo Ngài Anan rằng: "Ta chỉ có thể chứng nghiệm được Pháp chân thật thông qua việc tu học thực hành". Bất cứ ai nhìn thấy Đức Phật nghĩa là thấy Giáo Pháp.

Vậy là thế nào? Trước đây thế giới chưa có Phật; cho đến khi Hoàng Thái Tử Siddhartha Gotama giác ngộ, nhận ra Giáo Pháp và thành Phật. Ngài cũng là con người giống như chúng ta. Vậy nếu chúng ta giác ngộ giáo Pháp, chúng ta sẽ thành Phật. Đây được gọi là Đức Phật trong tâm, Pháp thân Phật.

Chúng ta phải luôn tỉnh giác và ý thức được những gì chúng ta làm trong từng giây phút; bởi lẽ chính chúng ta là kẻ thừa tự, tận hưởng thành quả của những hành động tốt hay xấu mà chúng ta đã gieo. Khi làm điều thiện, chúng ta sẽ hái hoa thơm quả ngọt trong tương lai. Ngược lại, nếu làm điều ác, chúng ta sẽ gặt hái quả cay đắng, đau khổ. Tất cả những gì bạn cần phải làm là nhìn vào cuộc sống hàng ngày của bạn để thấu hiểu được pháp. Ngài Tất Đạt Đa giác ngộ và nhận ra được chân lý này, nhờ đó mà có sự xuất hiện của Đức Phật trên cõi đời. Tương tự như vậy, nếu mỗi người và mọi người chúng ta đều siêng năng thực hành để giác ngộ được chân lý này, chúng ta sẽ thành Phật.

Như vậy, đức Phật, đức Như Lai vẫn luôn tồn tại. Một số người rất vui khi biết được điều này và nói rằng, "Nếu Đức Phật vẫn luôn tồn tại, vậy thì tôi có thể tu học thực hành Giáo Pháp!" Vâng, đúng là như vậy đó!

Giáo pháp mà Đức Phật đã giác ngộ là giáo pháp luôn tồn tại trên thế giới này, cũng như mạch nước ngầm luôn hiện hữu trong lòng đất. Khi một người muốn đào giếng, anh ta phải đào đủ sâu để chạm đến đúng mạch nước ngầm luôn sẵn có trong lòng đất. Người đào giếng không tạo ra nước, mà anh ta chỉ phát hiện ra mạch nước. Tương tự như vậy, Đức Phật không tạo ra hay ban hành Giáo Pháp, Ngài chỉ khai ngộ chân lý, sự thật sẵn có và chia sẻ với chúng ta. Nhờ vào chiêm niệm mà đức Phật đã đọc được thông điệp của Giáo Pháp và thấu hiểu. Giáo Pháp là chân lý của thế giới này. Khi đã giác ngộ, Siddhartha Gotama được gọi là Phật. Giáo pháp cũng có thể giúp cho tất cả mọi người chúng ta thông hiểu và trở thành Phật, Đấng giác ngộ.

Nếu chúng sanh đều sống tốt và tuân thủ Phật Pháp, họ sẽ không bao giờ thiếu đức hạnh và lòng tốt. Với sự hiểu biết, chúng ta sẽ thấy rằng chúng ta thực sự không xa Phật, mà Phật đang ở trong tâm ta, đang ngồi đối diện với ta, ngay trong giây phút này. Một khi hiểu được Phật Pháp thì chính lúc đó, chúng ta được thấy Phật.

Nếu ai thực sự tu học và thực hành, anh ta sẽ luôn nghe được tiếng Phật và tiếng của Pháp cho dù là đang tĩnh tọa dưới gốc cây, đang nằm hay đang trong bất cứ tư thế nào. Để đạt được cảnh giới này thì không thể chỉ dùng lý trí mà có được, mà phải có tâm thanh tịnh và sự chiêm niệm, thực hành. Nếu chỉ đọc và ghi nhớ những lời giảng này của tôi là không đủ, bởi vì bạn cần phải trải nghiệm và thân chứng được Pháp, không có con đường nào khác. Vì vậy khi tu học thực hành, chúng ta phải xác định được mục tiêu để tập trung; rồi việc tu học của chúng ta sẽ hoàn mãn.

Để có thể tu học thực hành lời Phật dạy, Đức Phật khuyên chúng ta nên sống ở một nơi yên tĩnh; giúp cho tâm ta thanh tịnh và lắng đọng để ta có thể lắng nghe và học hỏi về Phật pháp, đồng thời kiềm chế các giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đây là nền tảng cho việc tu học thực hành của chúng ta vì chính nơi sáu giác quan này mà mọi hạnh lành cũng như việc ác có thể phát sinh.

 

Ajahn Chah

Tags :

CAO TĂNG
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: