OAI NGHI CỦA NGƯỜI XUẤT GIA

Đăng bởi Thiện Định vào lúc 05/10/2018
OAI NGHI CỦA NGƯỜI XUẤT GIA

*** OAI NGHI – PHẠM HẠNH NGƯỜI XUẤT GIA 

Oai nghi là những phép tắc hành xử trang nghiêm, mực thước của người xuất gia trong mọi sinh hoạt thường nhật theo Giới-luật, Thiền quy và khuôn phép nhà Phật. 

Phạm hạnh là Hạnh giải thoát vi diệu của người xuất gia nguyện hành hiendinh.theo hạnh Phật nhờ nghiêm trì Giới - Định - Huệ miên mật. 

Tu sĩ muốn giáo hóa chúng sanh hướng Phật tu hành thì trước hết hãy giáo hóa chính mình, điều phục Thân - Khẩu - Ý cho toàn chơn - thiện - giác. Nhờ “tự giác” thúc liễm điều phục thân tâm hành trì chơn thật theo lời Phật dạy mà tam nghiệp tịnh dần, Từ Bi - Trí Huệ và Đạo Hạnh xuất thế vi diệu mở khai nên oai nghi - phạm hạnh của hành giả tu Phật vì thế “tự nhiên” thành tựu trang nghiêm hết mực, viên mãn có thể “không lời” mà cảm hóa chúng sanh trong Thập phương Tam cõi sám hối quy y. Oai nghi - phạm hạnh giải thoát đó xuất phát từ Tâm Từ Bi tịch tịnh trang nghiêm, từ Giới - Định - Huệ kiên trì miên mật gắng công, từ Đạo hạnh chơn tu không ngừng trưởng dưỡng chứ nào đâu phải tự nhiên mà có hay “khẩu thuyết” mà được, càng không thể cố tình giả tạo mà lừa phỉnh Tín tâm Đại chúng cho được. Điển tích xưa còn đó về oai nghi phạm hạnh “thân giáo” của Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni đã cảm hóa được biết bao chúng sanh trong Lục đạo quy Phật tu hành, từ chúng cõi Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh, A-tu-la, Thiên cho đến mọi giai cấp, phận Người trong xã hội lúc bấy giờ (tướng cướp, sát nhân, bần cùng, quý tộc, hoàng tộc, trí thức, ngoại đạo…). Còn đó không ít gương tu hành mẫu mực giáo hóa xưa của bao đời Chư Tổ, Cổ Đức mà ở đó, hành trạng của mỗi vị đều là bài Pháp sống động để hàng hậu học chúng ta “phản quan tự kỷ, hồi quang phản chiếu” tu hành. Thế mà, chợt ngẫm về thực trạng tu hành, oai nghi - phạm hạnh của Tăng lữ thời nay thì than ôi, sao đắng lòng, chua xót! Chưa bao giờ oai nghi - phạm hạnh lẽ ra là “vốn có duy nhất” của hành giả tu Phật để hoằng truyền Phật Pháp - giáo hóa chúng sanh lại trở thành Pháp nạn khiến Phật Đạo suy vi như hiện nay. Chưa bao giờ mà lời khả ký của Đức Phật năm xưa: “Sư tử trùng thực sư tử nhục” lại rõ ràng, chơn thực đến vậy. Có câu:

Uốn cây từ thuở còn non,
Cần chăm giới hạnh thuở còn Sa-di.

Giáo bất nghiêm sư ư đọa,
Giáo bất thính tội ư nhân.

Thượng bất chính, hạ tắc loạn.

Thế nhưng, bên cạnh các Sa-di, Sa-di-ni còn đang tập tu, tâm đức còn non yếu trước cám dỗ ngũ dục thế gian thì không thiếu những vị Tăng - Ni, Trụ trì, Giảng sư cho đến các vị giữ chức vụ lãnh đạo hàng đầu trong Giáo hội thời nay lại “kém” oai nghi, “thiếu” phạm hạnh đến nỗi làm thốn xót mắt tâm của biết bao người. Nào là:
 
- Tăng lữ tự chụp hình đơn hay túm tụm thành nhóm rồi đăng lên cộng đồng mạng với những kiểu dáng rất “teen” như chu môi, lè lưỡi, phùng má… để làm duyên; hay những cái ôm… thân mật đến khó hiểu với bao lời tâm trạng tỉ tê, dậy sóng ba đào; hay khoe của, điện thoại, xe… đời mới đắt tiền mà mình vừa lợi dưỡng…

- Hoặc Tăng lữ không lo tu trì tâm đức, giới hạnh, huệ mạng mình đã từng thệ nguyện trước Phật đài năm xưa mà tà tâm hành nghề đồng bóng mê tín, tự “lột xác Tăng” biến tướng hóa thành “ông Cậu, bà Chúa” phương nao trong phấn son, y áo lòe loẹt rồi múa máy, phán bảo cao trào, lợi dưỡng thậm chí ngay tại điện Phật mà không sợ quả báo…

- Hoặc Tăng lữ ăn uống phi thời - phi chỗ, thường vào nhà hàng, quán xá, càfé “giao lưu” không khác người thế tục, thậm chí còn tìm cớ xao lãng hay buông bỏ cả công phu thường nhật chốn Già lam vì mê sự vui vầy...

- Hoặc Tăng lữ đàn ca xướng hát cho thỏa sức đam mê theo thói tục phàm thường dưới danh nghĩa “phương tiện khuyến tu” hay “hiện đại hóa Phật giáo”, phạm Giới mà chẳng hay còn đan tâm cưỡng từ đoạt lý để biện hộ… 

- Hoặc Tăng lữ phì phèo điếu thuốc trên tay, nói năng giỡn đùa thái quá hay hý luận mãi mê chuyện thế tục… trong khuôn viên nội tự như không hề có Thiền quy cảnh sách, thật chẳng khác gì chốn chợ đời ô trược…

- Hoặc Tăng lữ đồng tu nhưng không theo khuôn phép Giới luật, nói năng cử chỉ thân mật thái quá khiến lâu dần nảy sinh tình cảm đồng tính cũng như dị tính, phạm Giới dâm ô nơi cửa Tịnh trang nghiêm.

- Hoặc Tăng lữ có những hành vi, lời nói thân thiện thái quá với Phật tử cùng giới cũng như khác giới, rồi sa vào ái dục, phạm dâm thối đọa. Khi sự việc bại lộ thì dùng mọi phương thức xấu xa mà che đậy, vu khống, chối bỏ trách nhiệm… 

- Hoặc Tăng lữ vẫn cứ ung dung trơ mắt nhìn Phật tử, kể cả các cụ già lưng còng tóc bạc, khi họ hai tay hiệp chưởng, miệng niệm “A Di Đà Phật” cúi mình xá chào mà chẳng buồn đáp lễ như phong thái của kẻ bề trên vô cùng trịch thượng… v.v. …  

Và còn biết bao chuyện đắng lòng làm uế trược cửa Phật môn thanh tịnh. Rõ thấy, Tâm ý người tu hành và sự nghiêm trì Giới-luật đóng vai trò tối quan trọng trong sự thịnh - suy, thường còn của Phật Pháp. Đức Phật nhập diệt đã lâu, Tăng lữ lẽ dĩ nhiên giữ vai trò là những vị “Sứ giả Như Lai hành Như Lai sự” nên oai nghi - phạm hạnh của người tu Phật tối thiểu phải có và trưởng dưỡng không ngừng để mô phạm cho Tín chúng, cớ sao lại tha hóa, suy đồi, biến tướng đến như vậy? Như nói về sự học hạnh làm Người, có câu: “Tiên học lễ, hậu học văn”, “Học ăn, học nói, học gói, học mở…” góp phần định hình nên nhân cách và văn hóa giao tiếp, ứng xử tối thiểu của một con người để thành “Nhơn”, để sống có ích, được mọi người và xã hội tôn trọng thì huống gì tâm nguyện cao cả dấn thân tu và hành theo hạnh Phật nên càng phải trang nghiêm, mực thước và giải thoát gấp bội phần. Lại có câu: “Nói một, làm mười”, tu đạo nếu khẩu thị - tâm phi, nói và hành bất nhất thì oai nghi - phạm hạnh sao tương ưng cho được, há có thể xứng danh con Phật, trưởng tử Như Lai để thọ hưởng Tín tâm và sự cúng dường của đàn na tín thí? Vì vậy, người xuất gia tu Đạo giải thoát nếu Tâm ý còn vẫn đục bụi thế gian, tham - sân - si lắm mùi tục lụy thì Thân - Khẩu bất tịnh, phóng dật mê say theo lục dục - thất tình, lợi dưỡng hưởng thụ ngũ dục để vinh thân, phì da thì kẻ ấy chắc chắn Giới đức không nghiêm, oai nghi - phạm hạnh chẳng có, thân tâm uế trược hành nghiệp Tà sư núp bóng Chư Phật để mượn Đạo tạo Đời, hỏi lấy gì mô phạm để giáo hóa chúng sanh? Lẽ nào thọ hưởng của mồ hôi, nước mắt, công sức và tín tâm của thập phương Thiện - Tín thì vui sướng, hạnh phúc đến thế sao, lại “tự” diễn ra bao cảnh nhiễu sự mê tâm, chướng trái Phật Pháp hơn cả người thế tục? Nếu hạnh “tự giác” tối thiểu của người tu còn không có, Giới luật không nghiêm thì nói gì hạnh “giác tha” Từ Bi cao thượng, kẻ ấy không khác gì “Sư tử trùng thực sư tử nhục”, Phật đạo rồi sẽ về đâu? 

Có câu:

Hữu tâm vô tướng, tướng tùng tâm sanh,
Vô tâm hữu tướng, tướng tùng tâm diệt.

Mong sao những ai hữu duyên đọc được bài Pháp này có thể gạn đục khơi trong, dựa vào oai nghi trang nghiêm - phạm hạnh giải thoát nơi thân - khẩu - ý hành theo hạnh Phật có thể giúp phân biệt tỏ tường chơn - giả xuất gia, từ đó mới thân cận lợi tu, tránh lầm đường theo tà mị. Còn Phật tử sơ cơ hướng Phật tu hành chớ vì mê sự của Tà sư mà đạo tâm thối thất, bởi "Chư Phật là Thầy - Tâm (mình) tức Phật" nên quý nhất hãy trực tâm tu hành chơn thật, từng bước chơn chánh tiến tu cho đàng hoàng, vững chắc thì lẽ tất nhiên sẽ được Chư Phật, Chư Hộ Pháp gia trì tiếp bước. Với những vị xuất gia lầm đường lạc lối, mong hãy tỉnh giác mà sám hối tu chơn bởi vạn sự vô thường, thọ của đàn na tín thí mà buông lung, phóng dật trong MÊ sự thì Địa ngục Vô-gián tự mình sa vào, muôn kiếp khó siêu. Nếu tự xét không thể kham nhẫn đời sống phạm hạnh, giải thoát chơn tu thì hãy hoàn tục chớ đừng làm uế trược cửa Phật, khiến Phật Đạo suy vi mà trầm mê khổ đọa sau này. Hãy trả lại sự thanh tịnh, trang nghiêm, giải thoát của ngôi Tam Bảo thời Đức Phật còn tại thế để tất cả chúng sanh trong khôn cùng cảnh giới khắp 10 phương nương tựa tu hành. Hãy tịnh tâm khắc ghi lời Phật dạy:

Thà nuốt hòn sắt nóng,
Như ngọn lửa hừng hừng,
Hơn phá Giới buông lung,
Sống nhờ cơm tín thí!

Nhiều người khoác cà sa,
Ác hạnh không điều phục,
Kẻ ác, do nghiệp thúc,
Phải đọa địa ngục thôi!

(Kinh Pháp Cú)

Mong tất cả tỉnh tâm tu Phật!

Diệu Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật _()_
Diệu A Di Đà Phật _()_
Cổ Tự chơn ngôn: Cổ cổ diệu hám yết đế hồng tát đa, hám tát đa hồng diệu thiên, hám ưu tát đa, hám ưu mưu ni A Di Đà Phật. Cổ cổ diệu hám án a ác a vạn diệu huệ tát đa ác, hám a hật hồng, hám ưu tát đa hồng ưu tà không hồng hật Phật mật diệu cổ từ A Di Đà Phật _()_

Tu Phật
(*)

Tags :

THẦY TRÒ
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: