Con đường chẳng mấy ai đi

Đăng bởi CEO ALofavn vào lúc 22/09/2019
Con đường chẳng mấy ai đi

Ngẫm về quá khứ…

Nẫu vào chùa cũng gần 10 năm rồi. Bây giờ, nẫu đã là một thầy Tỳ-kheo, cũng tu học như bao anh em khác. Nhớ lại, 10 năm trước, nẫu bỡ ngỡ bước vào chùa. Nẫu thấy lạ lẫm với môi trường nơi đây. Nẫu phải khép mình trong khuôn khổ. Thầy nẫu dạy: “Muốn có bánh vuông thì ép vào khuôn vuông, muốn có bánh tròn thì ép vào khuôn tròn. Người tu cũng vậy, phải khép mình trong khuôn khổ giới luật, mới ra được nhân cách của người tu”. Nẫu không được phép ngủ nướng như hồi nẫu ở nhà, dù biết nẫu muốn lắm, nẫu thức khuya hơn, dậy sớm hơn. Mới đầu, nẫu cũng khó chịu lắm. Nẫu cũng không biết nói với ai. Nẫu chấp nhận vì nẫu đã chọn con đường này, con đường chẳng mấy ai đi. Nẫu phải chấp nhận. Nẫu cũng đôi lần than thở. Bao năm sống trong chùa, nẫu dần thấm tương chao. Bây giờ, nẫu không than nữa, nẫu chỉ thở thơi. Vậy là đủ. Mỉm cười nẫu ngẫm.

“Thở vào tâm tĩnh lặng
Thở ra miệng mỉm cười
An trú trong hiện tại
Giây phút đẹp tuyệt vời”
.

Có người hỏi tại sao nẫu xuất gia. Không ai biết, chỉ mình nẫu biết. Nẫu xuất thân trong một gia đình ba anh em. Nẫu là anh cả miền Bắc, anh hai theo cách nói miền Nam. Nẫu còn có hai đứa em. Bố mẹ nẫu làm rẫy, một nắng hai sương nuôi ba anh em nẫu. Nẫu sống bình lặng như bao đứa trẻ khác.

Nẫu biết đến chùa, đến Phật vào cuối năm lớp 10. Tại sao nẫu đi chùa, để rồi phải như ngày hôm nay, nẫu làm thầy, không phải thầy giáo, thầy thuốc mà là thầy tu? Năm đó, tại xóm nhà nẫu ở có đám. Không phải đám cưới, chẳng phải đám hỏi, mà là đám ma, đám ma anh trai của đứa bạn thân nhất của nẫu. Anh ấy chết oan trong một cuộc ẩu đả của những kẻ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Anh ấy chết vì “nghiệp”. Nẫu nói vậy.

Tối nào, nẫu cũng đi chùa tụng kinh cho anh, mong anh siêu thoát nơi miền Cực Lạc. “Nam Mô Tây Phương Cực Lạc Thế Giới Đại Từ Đại Bi Tiếp Dẫn Đạo Sư A-Di-Đà Phật”. Từ dạo đó, nẫu bén duyên với Phật pháp.

Không biết nẫu đi chùa có được lợi lộc gì không. Chỉ biết, dù nắng dù mưa, nẫu vẫn đi. Nhiều lúc, thấy bái phục nẫu. Thanh niên đi chùa ai mà không thương, không nhớ!

Có lần, nẫu đi tụng kinh tại một tư gia, chủ nhà thấy thương, muốn nẫu làm con rể. Đời không như là mơ. Nẫu đi tu. Nếu không, giờ này chắc nẫu đã có gia đình, một vợ hai con chứ chẳng chơi.

Ngày trước, nẫu mê game lắm. Từ ngày đi chùa, nẫu bỏ dần bỏ mòn. Đi chùa, lợi đâu không thấy, nhưng trước mắt thấy nẫu bỏ được game là bố mẹ nẫu vui lắm rồi. Kỳ lạ. Nẫu bỏ game theo Phật.

Năm tháng qua mau, cái ngày định mệnh cũng đến. Nẫu thi tốt nghiệp 12. Kết thúc ngày thi cuối, hôm sau, nẫu trở về nhà, nẫu xin phép bố mẹ cho nẫu thưa chuyện. Chuyện đại sự. Trong những chuyện đại sự của đời người, lần đầu tiên trong đời, nẫu dám quyết định về bản thân. Nẫu không ngờ rằng, cái ngày định mệnh ấy đã thay đổi cả tuổi thanh xuân của nẫu.

Còn nhớ như in, câu chuyện nẫu thưa với bố mẹ: “Thưa bố thưa mẹ, nay con đã lớn. Chương trình 12 đã tạm hoàn thành. Con xin bố mẹ cho con đi tu. Mong bố mẹ chấp thuận cho con. Cảm ơn bố mẹ đã sinh con ra, nuôi con ăn học đến ngày hôm nay”. Nẫu rưng nước mắt không nói gì thêm. Bố mẹ nẫu im lặng. Nẫu nín thở nghe quyết định của bố mẹ. Sao lâu quá trời!

Bố nẫu cũng mở lời: “Quyết định là ở con. Bố mẹ tôn trọng quyết định của con”.

Thế là chiều hôm sau, nẫu quyết định rời mái ấm thân thương, nơi chôn nhau cắt rốn, từ bỏ làng quê yêu dấu bao tháng năm đã nuôi nấng, che chở, in dấu chân trên mảnh đất đỏ Bazan màu mỡ. Nẫu quyết định đi tu. Bởi nẫu hiểu rằng: “Đôi khi lỡ hẹn một giờ, lần sau muốn gặp phải chờ trăm năm”.

Ngẫm lại, đời người giống như một cuốn sách. Mỗi một trang sách là một dấu ấn, biến cố trong cuộc đời. Nẫu cũng vậy, quyết định sang trang, nẫu tu đến giờ!

Tâm Năng/chuahoangphap

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: