Tiếp xúc với hạnh phúc thật sự

Đăng bởi Thích Thiện Định vào lúc 27/08/2017
Tiếp xúc với hạnh phúc thật sự


Khi học hỏi kinh điển và giáo lý, ta sử dụng rất nhiều khái niệm như giác ngộ, giải thoát, niệm, định và tuệ.
Tuy vậy, thường thì đó chỉ là những danh từ và ý niệm. An lạc hay Tịnh độ có thể cũng chỉ là những ý niệm mà chưa phải là thực tại. Ta nói tới trái kiwi, nhưng có thể chỉ là cái tên và một ý niệm về nó chứ chưa bao giờ nếm trái kiwi, chưa bao giờ biết mùi vị của nó. Khi mới học những khái niệm ấy, chúng ta hồ hởi, phấn khởi, muốn tiếp cận, muốn có kinh nghiệm về những thực tại đó. Nhưng thật ra chúng có thể chỉ là những danh từ hay những ý niệm không thật, trong đó có Tịnh độ hay Phật. Phật đối với ta có thể chỉ là danh từ và ý niệm. Ý niệm về Phật không phải là Phật, ý niệm về Tịnh độ không phải là Tịnh độ, cũng như ý niệm về trái kiwi không phải là trái kiwi.

Sáng nay chúng ta đã tụng Bài Bốn phép tùy niệm, trong đó có đoạn:

“Tự thân của đức Như Lai, người từ chân như tới, thầy của chúng con

Là bậc xứng đáng nhất để được cúng dường

Là bậc có trí giác chân thực và toàn diện

Là bậc có đầy đủ công hạnh và tuệ giác

Là bậc đã qua tới một cách nhiệm mầu

Là bậc hiểu thấu thế gian

Là bậc nhân sĩ cao tột có khả năng điều phục con người

Là bậc thầy của cả hai giới thiên và nhân

Là bậc tỉnh thức toàn vẹn

Là bậc được tôn sùng quý trọng nhất trên đời.”

Chúng ta ca ngợi Bụt đêm ngày, tán dương Bụt bằng những bài tán rất hay. Rồi ta lạy Bụt rất nhiều, lạy 108 lạy và thỉnh thoảng còn thực tập nhất bộ nhất bái, đi 300 cây số. Có thể ta làm như vậy trong mười năm, hai mươi năm mà vẫn chưa tiếp xúc được với Bụt bởi vì đối với ta, Bụt vẫn còn là một ý niệm, một danh từ. Chúng ta sống bằng danh từ. Hầu hết chúng ta đều sống với danh từ, với ý niệm. Giải thoát, giác ngộ, an lạc là những danh từ đầu môi chót lưỡi. Chúng ta chưa có khả năng tiếp xúc với những thực tại ấy. Như nói cam mà chưa bao giờ được ăn cam, nói lê mà chưa bao giờ được ăn lê. Mỗi ngày chúng ta tôn kính, gọi Hồng danh của Bụt một trăm lần, một ngàn lần. Chúng ta gọi tên Ngài ra rả mà không tiếp xúc được với Ngài. Chúng ta không cho mình có cơ hội để tiếp xúc đích thực với Bụt, với Tịnh độ, với an lạc, trong khi Bụt, Tịnh độ hay an lạc đã có sẵn và có thật. Nếu biết cách, ta có thể tiếp xúc được với Bụt bây giờ và ở đây mà không cần phải kêu tên hay lễ lạy. Tịnh độ cũng vậy, ta có thể tiếp xúc được ngay bây giờ và ở đây mà không cần phải cầu xin đi sang bên đó. Chính giải thoát, an lạc cũng có mặt bây giờ và ở đây. Phải có khả năng lột hết và liệng đi những danh từ, những ý niệm thì lúc đó chúng ta mới có thể tiếp xúc được với những cái mình đang đi tìm, trong đó có Bụt hay Tịnh độ.

Trong khi sư chú đi thiền thì mỗi bước chân là một cơ hội để Bụt được biểu hiện trong tự thân của sư chú, và để cho hỷ, lạc, giải thoát được biểu hiện ngay trong giây phút hiện tại.

“Nguyện thấy được tịnh độ dưới mỗi bước chân mình

Nguyện tiếp xúc bản môn trong mỗi khi hành xử

Bước trên thật địa

Thở giữa chân không”

Đó là chuyện ta có thể làm được bây giờ và ở đây mà không cần phải đợi năm năm, tám năm, mười năm hay hai mươi năm mới làm được. Chỉ cần nhìn sư chú bước đi một bước, tôi có thể thấy được trong bước chân của sư chú có an, có lạc, có tiếp xúc với những mầu nhiệm của Tịnh độ hay không. Những mầu nhiệm được diễn tả trong kinh A Di Đà như những đóa sen lớn, những hàng cây phát ra âm thanh vi diệu trong đó có thể nghe được Tứ đế, Bát chánh đạo, Ngũ căn, Ngũ lực… đều có thể tiếp xúc được ngay bây giờ và ở đây. Sư chú chỉ cần bước một bước, và nếu bước chân ấy chế tác được năng lượng của niệm, của định, tiếp xúc được với thực tại bây giờ và ở đây thì sư chú đang an trú trong Tịnh độ hiện tiền, hỷ lạc hiện tiền. Đức A Di Đà, đức Thích Ca đều hiện tiền trong bước chân đó. Nhưng có thể sư chú đã không cho Bụt, không cho Tịnh độ, không cho hỷ và lạc một cơ hội. Sư chú đi như bị ma đuổi. Ta không cho Bụt có cơ hội biểu hiện mà cứ gọi tên Ngài nhiều lần trong ngày và có khi còn lạy tới sói đầu. Ta có thể đang làm những chuyện ngược lại với mong muốn của ta ngày xưa.

Trong bài thơ, Xuân Diệu nói: Không trễ lắm đâu!

“Dẫu đã muộn rồi, hãy còn sớm chán”

Hai chân ta còn khỏe, mỗi bước chân có thể giẫm vào Tịnh độ. Nếu có niệm và định thì chắc chắn là ta giẫm được vào Tịnh độ ngay trong phút giây hiện tại. Chúng ta không cần phải cầu xin được sinh về Tịnh độ và cũng không cần phát tâm nhàm chán cõi Ta bà, mà mỗi hơi thở chính là một cơ hội, mỗi bước chân cũng chính là một cơ hội. Ta đòi hỏi gì nữa? Tại trung tâm tu học, chúng ta được ngồi, được thở. Ông trưởng ban quản trị không thể cấm ta thở, không thể cấm ta ngồi. Giáo hội cũng không thể cấm ta thở, cấm ta ngồi, cấm ta nghe chuông.Đảng cũng không thể cấm ta thở, cấm ta ngồi hay cấm ta nghe chuông. Mỗi người tu phải có cơ hội để đi những bước chân như vậy, thở những hơi thở như vậy, ngồi những buổi ngồi như vậy. Mỗi hơi thở, mỗi lúc ngồi, mỗi bước chân là một cơ hội để ta tiếp xúc với cái mà ta đang tìm. Đó là hạnh phúc chân thật, là cô Hạnh Phúc. Trán cô rất huy hoàng, cô có sẵn đó, không cần phải đi tìm, không cần phải xây dựng hay lao động khó nhọc.

Hôm qua, một vị đã phát biểu rằng, pháp môn này chỉ có thể tu tập với tính cách cá nhân thôi, chứ mang về chùa chắc chắn là không tu được. Phải chăng trong chùa đó mọi người không được đi thảnh thơi, không được ngồi thảnh thơi? Phải chăng trong chùa ấy mọi người không được thở, không được nghe chuông hay ăn cơm chánh niệm? Một ngôi chùa lập ra là để làm những chuyện đó chứ không phải để cấm người ta làm chuyện đó. Nếu không được thực tập những pháp môn ấy thì người ta phải viết lên bảng: “Chùa này cấm đi thảnh thơi, cấm nghe chuông và cấm mỉm cười”. Có danh sách những điều cấm như thế trong chùa, có nghĩa là cấm Bụt không được ở chùa, cấm đạo Bụt không được thực tập ở chùa.

Câu chuyện được tiếp tục thế này:

Một hôm có một vị khách tăng tới chùa của hai thầy trò. Vị khách tăng này không đòi gặp thầy. Sư chú ra thưa:

- Để con đi tìm thầy.

Khách tăng nói:

- Thôi khỏi. Tôi tới đây để tham quan, lễ Phật và đi thiền.

Vị đó không cần đón tiếp, không cần chào hỏi. Vị ấy thảnh thơi đi thiền lên núi và tình cờ gặp thầy ở đó. Cuộc gặp gỡ là cái duyên để thầy trụ trì học được phương pháp thiền đi. Hôm sau là ngày rằm, trước khi lên khóa lễ, thầy nói ra ước muốn của thầy với đạo tràng, thầy mong người nào cũng nếm được pháp lạc khi đi thiền. Và thầy dạy cho đạo tràng đi thiền lần đầu tiên trong chùa. Nhờ sự viếng thăm của vị khách tăng thảnh thơi kia mà thầy trụ trì biết cách chuyển hóa một ngôi chùa thực tập tín mộ trở thành một ngôi chùa thực tập đích thực, có thể mang lại hỷ, lạc, hạnh phúc, Tịnh độ hiện tiền, không phải chỉ cho người xuất gia mà cho tất cả mọi người.

Đó là nội dung của truyện ngắn tôi muốn viết mà chưa viết được. Những người viết văn hay, xin viết thành truyện đàng hoàng giùm tôi.

HT. Thích Nhất Hạnh

Tags :

THẢNH THƠI
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: