SỐNG TRONG TỪNG SÁT NA (P.3)

Đăng bởi Thích Thiện Định vào lúc 25/09/2019
SỐNG TRONG TỪNG SÁT NA (P.3)

... TIẾP THEO P.2

QUÁN NIỆM VỀ THÂN BẤT TỊNH

Ta quán niệm về thân thể này, từ gót chân trở lên và từ đỉnh đầu trở xuống, bao bọc bởi một lớp da, bên trong chứa đầy các loại bất tịnh. Ta quán niệm về các loại bất tịnh bên trong thân thể cũng như bên ngoài thân thể, như “tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mạc, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phẩn, óc, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, chất dầu, nước mắt, nước miếng, nước mũi, nước nhờn ở khớp xương, nước tiểu”.

Thí dụ, có một cái bao chứa đựng các loại hạt. Khi mở bao ra, ta có thể thấy đủ các loại hạt chứa đựng trong đó, nào là các loại gạo, các loại đậu, các loại lúa, các loại mè… Ta quán chiếu về thân thể này cũng vậy, tất cả được bao bọc bởi một lớp da, bên trong chứa đầy các loại bất tịnh.

Ta quán chiếu về các loại bất tịnh nơi thân thể, sinh khởi từ thân thể, hủy diệt từ thân thể, thải bỏ ra ngoài thân thể, như máu, mủ, đàm, mồ hôi, nước tiểu, phẩn… Ta an trú trong sự quán niệm: “Có các chất bất tịnh trong thân thể đây”, “Có các chất bất tịnh từ thân thể thải bỏ ra ngoài đây”… ở thân thể chính ta, ở thân thể những người quanh ta. Ta ý thức về các chất bất tịnh và tất cả chỉ là các chất bất tịnh. Không có “ta” liên hệ đến các chất bất tịnh nơi thân thể. Ta ý thức các chất bất tịnh chỉ là các chất bất tịnh, không có “ta” thọ lãnh, không có “ta” thải bỏ. Với sự quán niệm như thế đủ để giúp ta phát khởi ý thức về các chất bất tịnh, để quán chiếu về sự vô thường và vô ngã của thân thể.

QUÁN NIỆM VỀ THÂN TỨ ĐẠI

Trong bất cứ tư thế nào của thân thể, thường xuyên quán chiếu xác thân này do bởi bốn yếu tố chính cấu tạo thành là đất, nước, lửa và gió.

– Yếu tố đất như da, xương, thịt, tim, gan…

– Yếu tố nước như máu, mủ, đàm…

– Yếu tố lửa như sức nóng trong người…

– Yếu tố gió như hơi thở vào ra…

Thí dụ, một người đồ tể làm nghề giết bò, ngồi giữa ngã tư đường và cắt xẻ con bò ra thành nhiều mảnh nhỏ. Mỗi một phần để riêng ở mỗi một góc đường. Nhìn lại, thân thể đây cũng vậy, do bởi bốn yếu tố chính cấu tạo thành bao gồm đất, nước, lửa và gió.

Do bởi hành trì tinh chuyên pháp quán tứ đại, ta có thể trực nghiệm bản chất vô thường, khổ và vô ngã của ngũ uẩn tự thân. Tánh vô ngã ở đây có nghĩa là những gì hiện hữu ở xác thân hoàn toàn không có tự tánh riêng biệt. Nếu như một mai thân xác ta mất đi, thì gió sẽ về với gió, lửa sẽ về với lửa, nước sẽ về với nước, cát bụi sẽ về với cát bụi. Không có sự mất. Không có sự được. Không có sự thêm. Không có sự bớt. Tất cả chỉ là sự trở về và là sự trở về với đất, nước, lửa, gió. Do bởi quán chiếu như vậy, ta sẽ không còn quá đắm mê thân xác và sẽ có cái nhìn đúng đắn hơn về bản chất thật của tất cả mọi sự vật hiện hữu trên cuộc đời này.

Ta quán niệm về các yếu tố của tứ đại bên trong thân thể cũng như bên ngoài thân thể, như hơi thở từ ngoài vào, hơi thở từ trong ra, sức nóng trong thân thể, nhịp đập của trái tim, mồ hôi, phẩn, nước tiểu… ở thân thể chính ta, ở thân thể những người quanh ta. Tất cả chỉ là đất nước lửa gió sinh sinh diệt diệt trong một xác thân tạm bợ vô thường.

Ta an trú trong sự quán niệm: “Có yếu tố đất đây”, “Có yếu tố nước đây”, “Có yếu tố lửa đây”, “Có yếu tố gió đây”. Tất cả chỉ là các yếu tố cấu tạo thành thân thể và chỉ là các yếu tố đất, nước, lửa, gió. Không có “ta” gắn liền với tứ đại nơi thân thể. Với sự quán niệm như thế đủ để giúp ta phát khởi ý thức về bốn yếu tố chính cấu tạo thành thân thể, để quán chiếu về sự vô thường và vô ngã của thân thể.

QUÁN NIỆM VỀ CỬU TƯỞNG

Trong bất cứ tư thế nào của thân thể, thường xuyên quán chiếu về 9 giai đoạn tan rã của một tử thi:

– Xác chết sình trương, thâm tím và thối rữa

– Xác chết bị diều hâu và chó sói rừng gặm xé

– Xác chết chỉ còn lại xương, thịt và máu

– Xác chết chỉ còn lại xương và máu

– Xác chết chỉ còn lại bộ xương

– Xác chết chỉ còn lại đống xương rời rạc khắp đó đây

– Xác chết chỉ còn lại đống xương trắng màu vỏ ốc

– Xác chết chỉ còn lại đống xương khô

– Xác chết chỉ còn lại đống xương đã rã tan thành cát bụi

Ta trình tự quán chiếu qua từng giai đoạn của cửu tưởng, từng mỗi giai đoạn ta trở lại quán chiếu về xác thân đây, bên trong thân thể cũng như bên ngoài thân thể, bao gồm tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận… ở thân thể chính ta, ở thân thể những người quanh ta. Tất cả rồi cũng sẽ sình trương, thối rữa và hoại tàn cùng cát bụi.

Thân thể đây, đã được sinh ra từ máu huyết mẹ cha, mà khi đã có sự sinh ra thì sẽ có sự mất đi. Rồi một ngày, thân xác đây cũng sẽ bị hư hoại. Cuộc đời người, ai cũng phải một lần chết. Khi sự chết đến, ta không thể nào trốn thoát. Cuối cùng, xác thân đây rồi cũng sẽ bị rã tan. Không có bất cứ gì gọi là riêng mãi của ta đối với mọi vật thể vô thường trong vũ trụ.

Thường xuyên quán niệm như vậy, ta sẽ có cái nhìn bình tỉnh hơn đối với sự sống, bình thản hơn đối với sự chết. Rồi một ngày mai, những người thân của ta sẽ ra đi và chính bản thân ta cũng sẽ ra đi. Tất cả sẽ là vậy. Có sinh ắt có diệt. Có được ắt có mất. Sự sống không thể nào tránh né. Sự chết chẳng thể nào đổi thay.

Ta an trú trong sự quán niệm: “Có thân thể đây”, và thân thể chỉ là thân thể. Không có thân thể của “ta”. Tất cả chỉ là thân thể và là thân thể ở nơi thân thể. Với sự quán niệm như thế đủ để giúp ta phát khởi ý thức về thân thể, để quán chiếu về sự vô thường và vô ngã của thân thể.

Quán niệm về cửu tưởng tinh cần sẽ giúp ta bình tỉnh hơn khi đối diện với sự chết. Bản thân không còn quá luyến tiếc xác thân này và sẽ cảm thấy bình thản để ra đi. Tất cả có đến và có đi, như gió hoàng hôn đưa lá thu vàng về cùng cát bụi.

QUÁN THỌ

Lãnh vực thứ hai là quán thọ nơi thọ. Đây là phương pháp ghi nhận và quán sát về các cảm giác đang xảy ra trong ta. Khi cảm thọ phát khởi, ta cần phải bình tâm để tiếp xúc với cảm thọ. Điều nên tránh trong lúc thực tập cảm thọ là không trốn chạy với chính mình, không bất mãn với nội tâm. Cố gắng tinh chuyên hành trì để gặt hái những hoa trái của thiền tập, để có thể soi thấu bản chất vô thường, khổ và vô ngã của mọi cảm thọ nơi thân tâm.

Trong pháp quán thọ, ta ghi nhận về các cảm giác mà ta đang xúc cảm:

– Cảm giác khoái lạc về thể xác

– Cảm giác khoái lạc về tinh thần

– Cảm giác đau khổ về thể xác

– Cảm giác đau khổ về tinh thần

– Cảm giác không khoái lạc cũng không đau khổ về thể xác

– Cảm giác không khoái lạc cũng không đau khổ về tinh thần

Khi bản thân trực nhận bất cứ một cảm giác gì, vui mừng khi được người khác khen ngợi, bực tức khi bị người khác sỉ nhục… Ta hãy trở về nắm lấy hơi thở và chú tâm quán sát về cảm giác đó trong sự tỉnh thức. Ta ý thức ta đang có một cảm giác dễ chịu. Ta ý thức ta đang có một cảm giác khó chịu.

Trong lúc ngồi thiền, khi mà hơi thở đã trở nên nhẹ nhàng, thân thể đã bắt đầu an tịnh, tâm ý đã tương đối thu nhiếp, ta sẽ có một cảm giác vui mừng hoan hỷ phát khởi nơi thân tâm. Khi cảm giác hỷ và lạc sinh khởi, ta hãy nhận biết về các cảm giác đó một cách sáng suốt và tỉnh giác. Khi hoan hỷ sinh khởi, nó đến như một cơn bão, gây tạo cho ta những xúc cảm vui mừng thật sống động và thật mạnh mẽ. Khi an lạc phát sinh, nó như một dòng nước trôi êm ả, gây tạo cho ta những cảm giác nhẹ nhàng và thanh thản. Các cảm giác hoan hỷ và an lạc sinh khởi là kết quả tự nhiên có được khi hơi thở trở nên lắng dịu và tâm thức có sự an định trong lúc hành thiền.

Khi cảm thọ sinh khởi, bất cứ cảm thọ gì, vui buồn hay trung tính, ta hãy chú tâm ghi nhận và quán sát về cảm thọ đó một cách khách quan. Đừng phân tích đi sâu vào sự kiện. Đừng quá muộn phiền bất mãn với nội tâm. Đừng quá hứng cảm với niềm vui khoái lạc. Hãy thực tập thản nhiên mà ngắm nhìn mọi xúc cảm đến và đi.

Cố gắng không để bị quay cuồng trong chán chường tự trách, hay khoái cảm xác thân. Ta chỉ cần ghi nhận ta đang có một cảm giác sinh khởi. Ta ý thức ta đang có sự vui mừng, đang hồi hộp, đang sợ hãi, đang buồn phiền, đang giận dữ, đang oán trách… Ta chỉ cần ghi nhận khách quan đúng như vậy, thế thôi. Hãy nắm giữ lấy hơi thở. Tập trung tất cả tâm trí vào hơi thở. Hơi thở vào, ta biết là hơi thở vào. Hơi thở ra, ta biết là hơi thở ra. Ta biết rằng ta đang thở và đang buồn phiền. Ta biết rằng ta đang thở và đang sợ hãi. Ta biết rằng ta đang thở và đang âu lo. Ta biết rằng ta đang thở và đang vui mừng. Ta biết rằng ta đang thở và đang có một cảm giác trung tính không đau khổ cũng không khoái lạc.

Bởi nắm giữ lấy hơi thở nên ý thức chánh niệm được duy trì sáng suốt, ta sống trọn vẹn trong sát na đó. Khi cảm thọ sinh khởi, cứ thản nhiên ghi nhận và quán sát. Đừng trốn chạy hèn nhát. Đừng phản kháng bất mãn với nội tâm. Đừng phấn khởi với nỗi vui mừng. Đừng sầu ưu với cơn buồn thảm. Hãy nhìn thẳng nó, nhận biết nó, thụ động tiếp xúc với mọi cảm thọ trong ta.

Khi vui sướng, ta biết ta đang vui sướng. Khi sầu khổ, ta biết ta đang sầu khổ. Khi chán chường, ta biết ta đang chán chường. Khi sợ hãi, ta biết ta đang sợ hãi. Ta ý thức và ghi nhận về mọi cảm giác một cách khách quan. Thực tập thản nhiên để ghi nhận các xúc cảm đến và đi, tăng trưởng và giảm suy, chuyển hóa và tan biến, trong từng mỗi phút giây vô thường.

Có sự ghi nhận về cảm thọ một cách tỉnh thức, ta sẽ giảm bớt phần nào sự giao động bất an. Tâm thức sẽ trở nên trầm lắng xuống, thân tâm sẽ trở nên thư thái hơn. Sự phục hồi nhanh chóng lại chính con người mình, với ít nhiều kết quả trên sự bình tâm thản nhiên với mọi cảm xúc, là tùy theo kinh nghiệm cá biệt trong quá trình tu tập tinh tấn pháp quán cảm thọ.

Khi có một cảm giác đau khổ về thể xác, ta ý thức ghi nhận ta đang có sự đau khổ về thể xác: “Ta biết ta đang nhức răng, đang đau bụng, đang nhức đầu, đang tê chân”… Ta duy trì hơi thở trong ý thức, ta biết ta đang thở vào, ta biết ta đang thở ra. Ta chỉ cần ghi nhận khách quan về điều đó và tập trung tâm trí vào vùng cảm xúc đó. Hãy nhìn ngắm nó, đón chào nó, tiếp xúc nó, để quán sát mọi cảm thọ đang sinh khởi, tăng trưởng, giảm suy và tan biến vô thường.

Trong lúc ngồi thiền, nếu có những cảm giác diễn biến trên thân thể, ngứa ngáy như bị côn trùng bò trên mặt, cảm giác tê chân, cơ thể nóng bức, vai cổ và đầu như chao động ngả nghiêng… Hãy tập trung tâm trí vào vùng cảm xúc đó, nhận biết nó một cách khách quan. Ta ý thức ta đang có một cảm giác khó chịu trên thân thể. Cố gắng duy trì hơi thở trong ý thức. Thản nhiên nhìn ngắm và tiếp xúc êm dịu với mọi cảm giác. Cố gắng giữ sự giác tỉnh để nhận biết về cảm giác đó trong từng hơi thở. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Ta ghi nhận về những cảm giác đang xảy ra trong ta. Ghi nhận để trực nghiệm sự sinh khởi, tăng trưởng, suy giảm và tan biến vô thường của nó. Khi cảm giác đang suy giảm, ta ý thức cảm giác đó đang suy giảm. Khi cảm giác đang tan biến, ta ý thức cảm giác đó đang tan biến. Khi cảm giác đã tan biến, ta trở về tập trung tâm trí vào hơi thở. Tất cả mọi cảm giác có đến và có đi, sinh khởi và hoại diệt, trong từng mỗi phút giây biến dịch vô thường.

Khi có một cảm giác đau khổ về tinh thần, ta ý thức ghi nhận ta đang có sự đau khổ về tinh thần: “Ta biết ta đang chán chường, đang sợ hãi, đang sầu lo, đang tuyệt vọng”… Ta duy trì hơi thở trong ý thức, ta biết ta đang thở vào, ta biết ta đang thở ra. Ta chỉ cần ghi nhận khách quan về điều đó. Hãy nhìn ngắm nó, đón chào nó, tiếp xúc nó, để trực nghiệm mọi cảm thọ đang phát khởi, tăng trưởng, chuyển hóa và biến diệt vô thường.

Khi có một cảm giác trung tính không khoái lạc cũng không đau khổ, ta liền nhận biết về điều đó. Chỉ cần khách quan ghi nhận về sự phát khởi của cảm giác trung tính đó. Ta chú tâm quán sát sự tăng trưởng, giảm suy và hoại diệt của nó. Trực nghiệm bản chất vô thường của mọi cảm giác trung tính không khoái lạc cũng không đau khổ.

Tóm lại, với bất cứ cảm giác nào đang phát khởi trong ta, dễ chịu, khó chịu, đau khổ, khoái lạc, trung tính, ta cũng đều ý thức sự bắt đầu khởi dậy của nó, sự tăng trưởng, chuyển hóa, suy giảm và tan biến của nó. Ta chỉ cần khách quan ghi nhận: “Có cảm thọ đây”, và tất cả chỉ là cảm thọ. Không có “ta” cảm thọ. Với sự quán niệm như vậy đủ để giúp ta ý thức sự có mặt của cảm thọ, để quán chiếu về sự vô thường của cảm thọ.

QUÁN TÂM

Lãnh vực thứ ba là quán tâm nơi tâm. Đây là pháp quán về tâm thức, được áp dụng phối hợp với pháp quán niệm về hơi thở, để giúp ta giữ vững định lực. Phần quán tâm rất quan trọng bởi sự thụ động đối trị của tâm thức gắn liền với những tưởng vọng của tâm thức.

Trong pháp quán tâm, bất cứ ý tưởng nào khởi dậy trong tâm thức, ta cần tỉnh táo nhận biết về sự phát khởi của ý tưởng đó. Sự ghi nhận tương đối dễ dàng nếu hơi thở được duy trì có ý thức. Ta giữ sự tỉnh biết bằng cách quán sát hơi thở. Hơi thở vào, ta biết hơi thở vào. Hơi thở ra, ta biết hơi thở ra. Sự tập trung tâm trí vào hơi thở là phương tiện mầu nhiệm để giúp ta nhận biết về sự phát khởi của các ý niệm trong tâm thức.

Khi có một ý tưởng phát sinh, ta ghi nhận có một ý tưởng phát sinh, rồi nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Không bực bội với nó. Không hoan hỷ với nó. Tâm trí không theo đuổi hay phân tích bất cứ một ý niệm nào. Ta chỉ cần khách quan nhận biết như vậy, thế thôi. Ta biết nó vừa mới sinh khởi. Ta biết nó bắt đầu tăng trưởng. Ta biết nó đang bị giảm suy. Ta biết nó đã tan biến đi. Con mắt tâm tập trung vào hơi thở và ghi nhận những chuyển biến sinh diệt của các ý niệm trong tâm thức. Cố gắng nuôi giữ sự tỉnh thức trong mọi phút giây, bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào.

Giai đoạn đầu khi mới học thiền, dĩ nhiên tâm trí rất khó có thể tập trung an định được. Có nhiều khi ý nghĩ sinh khởi liên tục, dẫn kéo ta vào những tưởng vọng mông lung. Nhưng nếu cố gắng hành thiền thường xuyên, sự giác tỉnh sẽ được nâng cao. Khi chợt nhận biết tâm trí đang mông lung, ta liền ghi nhận về sự phóng tâm đó và nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Đừng bực bội với bản thân. Đừng tự trách với chính mình. Cứ dịu dàng thư thản đưa tâm trí trở về với hơi thở. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Ta khách quan ghi nhận về sự tan biến của những tưởng suy ấy. Sự tập trung tâm trí vào hơi thở cũng theo đó mà phát triển và định lực cũng nhờ đó mà được nâng cao.

Khi có một ý tưởng vừa phát khởi, ta nhận định về điều đó và quán niệm: “Có một ý nghĩ đang phát sinh”, và nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Với sự quán niệm như vậy đủ để giúp ta ý thức sự có mặt của tâm thức. Ngay khi ta vừa nhận biết có một ý nghĩ đang phát sinh trong tâm thức, thì ngay khi ấy ý nghĩ đó cũng đã bị suy yếu và tan biến dần. Ta ý thức về tất cả những biến động sinh diệt vô thường của các ý niệm và làm cho tâm trí ta lắng dịu dưới ánh sáng của sự tỉnh thức.

Đấy là yếu chỉ hành trì của phương pháp hàng phục tâm mà Đức Phật đã thuyết giảng trong Kinh Kim Cang – “Một niệm dấy lên là chúng sanh, đưa những niệm đó vào chỗ vô sanh, đó là hàng phục tâm” (Kinh Kim Cang – Thiền sư Thích Thanh Từ dịch và chú giải).

CÒN TẾP...

Tags :

LỜI PHẬT DẠY
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: