SỐNG TRONG TỪNG HƠI THỞ (P.7)

Đăng bởi Thích Thiện Định vào lúc 25/09/2019
SỐNG TRONG TỪNG HƠI THỞ (P.7)

... TIẾP THEO

TỨ DIỆU ĐẾ

Bước kế tiếp, thực tập quán niệm về bốn sự thật cao quý, bao gồm khổ đế, tập đế, diệt đế và đạo đế.

– Khổ đế

Sự thật cao quý thứ nhất là khổ đế, tức là sự khổ đau của con người: “Khi sự kiện là đau khổ, ta quán niệm đây là đau khổ”.

Tất cả những gì trên thế gian vô thường này đều là khổ. Mọi sự việc luôn biến dịch đổi dời – “Sinh sinh chi vị dịch” (Sinh ra sinh ra mãi nên gọi là biến dịch – Kinh Dịch). Không một hình tướng nào, một tưởng suy nào nằm nguyên một trạng thái (“Vật cùng tắc biến, vật cực tắc phản” là vậy – Vạn vật đến chỗ cùng sẽ biến đổi, mọi vật đến điểm cuối sẽ quay lại). Đó là chân lý biến dịch vô thường của vạn vật. Và bởi sự vô thường biến đổi luôn có mặt trên cuộc đời đã gây tạo biết bao đổi thay, từ sinh khởi, rồi biến thể, rồi hư hoại, do đó nên có sự đau khổ. Khi đã biến thể, đã hư hoại, tất phải tan biến với thời gian, nên cuối cùng tất cả đều là không. Tất cả mọi sự thể trên thế gian này đều không có tự tánh riêng biệt.

Khi nhìn thấy sự việc, quán chiếu sự việc và cảm nhận sự việc là đau khổ, ta ý thức rõ ràng: “Đây là đau khổ”. Sự đau khổ của con người kể cả tinh thần lẫn thể xác có tới 84.000 thứ phiền não, không thể nào nói hết cùng tận được. Từ lúc mới sinh ra, ngây dại cất tiếng khóc chào đời thì đã là khổ rồi. Lớn lên, già yếu, bệnh tật, chết đi… Tất cả đều là khổ. Người mình thương mà phải xa lìa cũng là khổ. Những mong cầu mơ ước không đạt được cũng là khổ. Kẻ oán thù mà phải sống chung cũng là khổ. Những khống chế buộc ràng gắn liền với thân xác ngũ uẩn đây cũng đều là khổ.

Những khi mắt chứng kiến sự khổ đau trong cuộc đời này (bên ngoài đối tượng tâm thức), hay là mỗi khi bản thân cảm nhận sự khổ đau của chính mình (bên trong đối tượng tâm thức), ta liền tỉnh biết ghi nhận về điều đó và khách quan quán sát về sự khổ. Ta biết rằng: “Đây là đau khổ”. Cố gắng duy trì hơi thở trong ý thức. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Dùng hơi thở làm nền tảng để nuôi giữ sự tỉnh thức, để ghi nhận về sự kiện, để thấy rõ sự đau khổ và gốc nguồn của mọi khổ đau trong cuộc đời.

– Tập đế

Chân lý cao cả thứ hai là tập đế, tức là nguyên nhân của sự đau khổ: “Khi sự kiện là nguyên nhân đưa đến đau khổ, ta quán niệm đây là nguyên nhân đưa đến đau khổ”.

Khi quán chiếu về sự khổ, ta nhìn thấy được nguyên nhân đưa đến sự đau khổ cho con người. Những ái dục tham mê, những oán hờn ganh ghét, những si mờ chấp ngã, những nghi oan ngờ vực, những ngã mạn cao ngạo, những ác kiến tà ý… Tất cả vậy đều là những nguyên nhân gây tạo nên sự khổ đau cho con người.

Ngay cả sự chấp dính buộc ràng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý với hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm, tư tưởng cũng đều là những khổ đau dày xé tâm linh con người. Trong Kinh Phú Lâu Na, Phật đã thuyết: “Mắt thấy sắc đuổi theo chấp chặt là đau khổ, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý duyên pháp, tất cả chấp chặt đuổi theo đều là đau khổ”.

Cũng như thân xác do tứ đại hợp thành, do duyên mà sinh khởi, hết duyên lại hoại tàn. Nhưng nếu ta cứ chấp chặt vào đó và cho thân xác này là của ta mãi mãi, thì đó là u mê khổ ải ngàn đời. Cũng như cố chấp mà nhận lầm vọng tưởng là tâm ta, mãi sống với những nghĩ suy tham cuồng, gây tạo biết bao nghiệp chướng ưu phiền. Đau khổ cũng bởi từ sự chấp chặt cuồng mê nơi thân tâm mãi mãi không thôi (“Ấm giới sáu trần dậy, ách nạn nghiệp theo kề” – Thiếu Thất Lục Môn).

Khi cảm nhận sự khổ, hãy quán chiếu để nhìn thấy rõ nguyên nhân đưa đến sự đau khổ cho con người. Duy trì sự quán niệm trong hơi thở ý thức. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Ta chú tâm quán sát gốc nguồn của sự việc, để thấy rõ bản chất của đau khổ và nguyên nhân đã đưa đến đau khổ. Ta quán niệm: “Đây là nguyên nhân đưa đến đau khổ”.

– Diệt đế

Chân lý cao cả thứ ba là diệt đế, tức là sự chấm dứt của đau khổ: “Khi sự kiện là sự chấm dứt đau khổ, ta quán niệm đây là sự chấm dứt đau khổ”.

Do bởi quán chiếu về đau khổ, ta nhận hiểu và thấy rõ gốc nguồn của đau khổ, nguyên nhân đã đưa đến sự đau khổ cho con người. Ngay đây, nếu bản thân nỗ lực diệt trừ những tà kiến của sự chấp ngã, thì tâm trí cũng sẽ vơi đi ít nhiều thống khổ.

Khi đau khổ đã thật sự chấm dứt thì con đường giải thoát là trước mắt. Điều đó được hiểu như một chân lý Niết Bàn tuyệt đối của tâm linh con người. Đó là sự bình an và tự tại vô ngại của tâm thức.

Chúng ta, nếu như cứ mãi chấp chặt xác thân này là của ta chân thật, mãi đắm mê thân xác, mãi bám víu và tiếc thương, thì ta vẫn mãi âu lo phiền não. Sự bám víu vào thân xác cũng là gốc nguồn của sự sợ hãi. Như trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử – “Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả, vi ngô hữu thân, cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn!” (Ta sở dĩ có lo lớn là vì ta có thân, nếu ta không có thân, ta nào có lo!). Hãy nhận thức rằng: Sống là sống trong cuộc đời này, là sống với xác thân đây, nhưng tâm trí không bám chặt vào tham đắm, không quay cuồng theo bão gió lòng đời. Sống là để sống trong đời. Không nhàm chán sự sống. Không mê lụy sắc thể. Đó là sống đúng với ý nghĩa của cuộc sống làm người.

Thân xác đây, theo duyên mà hình thành, hết duyên mà hư hủy. Có đó rồi mất nó. Biết vậy, nên tâm ta đừng quá nuối tiếc khi phải mất thân. Đây không những đối với cái nhìn về thân ta mà ngay cả cái nhìn của ta đối với những người thân của ta cũng thế. Kẻ sinh ra, kẻ mất đi, tất cả là đau khổ, sinh sinh diệt diệt vô cùng tận (“Sanh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ” – Sinh diệt biến thay đổi dời, hư giả cũng không có chủ thể – Kinh Bát Đại Nhân Giác).

Do bởi nhận thức như vậy nên khi thân này sắp mất đi, ta không mấy não phiền nuối tiếc. Hãy dửng dưng mà ra đi. Hãy an nhiên mà trở về. Hãy thực tập quán niệm về sự sống và sự chết như Thiền sư Mumon: “Đời sống như cụm mây bay ngang đỉnh núi. Sự chết như mặt trăng vượt biển khơi”.

Khi người thân ta mất đi, ta biết ta đã mất đi thể xác của người, ta biết ta đã mất đi tiếng nói và hành động của người. Và bởi tình luyến ái, ta sầu bi, ta khổ não. Đó có sinh, đó có mất, cũng theo duyên mà tạo dựng, cũng tùy duyên mà hư hoại. Tất cả đều vô thường. Cuộc đời người khác nào như mộng ảo (“Xử thế nhược đại mộng” – Lý Bạch).

Hãy nhìn cuộc đời bằng ánh mắt vô thường. Hãy vui với đời như hoa nở. Hãy đi vào cuộc đời như đang đi trong giấc mộng (“Gá thân mộng, dạo cảnh mộng, mộng tan rồi, cười vỡ mộng” – Thiền sư Thích Thanh Từ). Hãy nhận biết sự việc đúng như vậy. Những người thân của ta rồi cũng sẽ ra đi. Ta thản nhiên nhìn sự việc với con mắt hiểu và biết, không quá khổ đau sầu muộn. Trong Kinh Bát Đại Nhân Giác, Phật đã thuyết – “Thế gian vô thường, ngũ ấm vô ngã” (Cuộc đời là vô thường, thân năm ấm cũng không có tự ngã riêng biệt). Hãy hằng luôn nhắn nhủ với chính mình: “Người có đến và người sẽ ra đi. Ta đã đến và rồi ta sẽ đi. Há luống bận tâm chi những vô thường!”.

Do bởi ý thức được sự vô thường của cuộc đời này, khi những người thân của ta còn sống thì ta nên biết quý trọng những giây phút còn có mặt của người bên ta. Nếu lỡ ngày mai, khi người thân đã ra đi, thâm tình đã vỡ, thì hối tiếc chi chữ hiếu chưa kịp báo đền, chữ ân chưa kịp trả, tất cả còn lại chỉ là suối lệ sầu vương trong tiếc nuối muộn màng.

Trong giai đoạn đầu tu tập, chúng ta đây vẫn là con người đầy ắp những ray rứt sầu tư. Nếu như, những người thân của ta một mai ra đi, thân ta chắc cũng phải úa sầu hoen lệ. Nhưng bởi hiểu và biết gốc nguồn của ái dục si mê, rễ nguồn của đau khổ đời người, chúng ta có thể giảm bớt được mức độ sầu bi. Được vậy, thì mục đích hành thiền đây cũng đã gặt hái được ít nhiều lợi ích lắm thay! Hãy cố gắng tinh chuyên hành trì cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời, thì định lực cũng sẽ được tu bồi vững mạnh. Và rồi, khi sự việc đến, cứ thanh thản ra đi, cứ an nhiên trở về, như gió bay xa, như mây trở lại.

– Đạo đế

Chân lý cuối cùng là đạo đế, tức là con đường diệt khổ để giải thoát tâm linh: “Khi sự kiện là con đường đưa đến sự chấm dứt đau khổ, ta quán niệm đây là con đường đưa đến sự chấm dứt đau khổ”.

Khi nhìn thấy sự đau khổ, cảm nhận sự đau khổ, ta nhận biết: “Đây là đau khổ”. Ta quán chiếu về sự kiện để thấy rõ đâu là gốc nguồn của đau khổ. Ta an trú tâm trong sự quán niệm: “Đây là nguyên nhân đưa đến đau khổ”. Và khi sự kiện là con đường đưa đến sự chấm dứt đau khổ, ta khách quan ghi nhận: “Đây là con đường đưa đến sự chấm dứt đau khổ”.

Ta quán niệm: “Có bốn sự thật cao quý đây”, như vậy đủ để giúp ta quán chiếu và ý thức được sự có mặt của các đối tượng tâm thức.

Hãy nỗ lực tinh chuyên hành trì sống tỉnh thức trong từng mỗi phút giây. Cố gắng tinh tấn thọ trì kinh điển, thực tập thiền định, để chiếu soi bước đường trí tuệ, đem giới luật và yếu nghĩa Phật pháp áp dụng vào con đường tu tập cho bản thân.

Hãy thực tập sống tỉnh thức và sống với tâm nguyện: “Nâng cao ngọn lửa hồng trí tuệ, để giải thoát cho tâm linh chính mình, và để cùng chiếu soi đến tất cả những ai đang cùng trên con thuyền trôi dạt hữu duyên”.

Để khử trừ những chướng ngại của ái dục, sân si, ngã mạn, ngông tàn… tất phải dùng đến phương tiện. Cho nên Đức Phật đã đưa ra con đường bát chánh đạo, tức là con đường trung đạo, với tám phạm trù cần yếu và chân chánh để giúp người thiền giả nương dựa vào đó mà tu trì:

– Chánh kiến (thấy biết chân chánh)

– Chánh tư duy (nghĩ suy chân chánh)

– Chánh ngữ (lời nói chân chánh)

– Chánh nghiệp (hành động chân chánh)

– Chánh mạng (sinh sống chân chánh)

– Chánh tinh tấn (cố gắng chân chánh)

– Chánh niệm (ý thức chân chánh)

– Chánh định (tập trung chân chánh)

Tám phạm trù trên được chia thành ba nhóm là giới, định, tuệ:

– Giới (đạo đức) bao gồm chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng

– Định (tâm linh) bao gồm chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định

– Tuệ (tri thức) bao gồm chánh tư duy và chánh kiến

Nền tảng của bát chánh đạo là giới, với 3 phạm trù căn bản về đạo đức là chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Con đường nương dựa để tu tập chánh niệm và để thành tựu về chánh định là con đường tứ niệm xứ, tức là bốn lãnh vực quán niệm.

Trên bước đường tu tập, yếu tố chánh tinh tấn là để trợ lực cho ta có được những ý chí mạnh mẽ trong quá trình tu tập chánh niệm, từ đó mở rộng 2 phạm trù tri thức là chánh kiến và chánh tư duy, giúp ta ý thức vai trò quan trọng của con đường giải thoát tâm linh. Khi yếu tố chánh niệm thành tựu, đưa đến sự phát sinh và thành tựu yếu tố chánh định, giúp ta vượt thắng những phiền não tư duy, đạt đến sự giải thoát cho tâm linh và chứng ngộ Niết Bàn ngay trong kiếp đời hiện tại.

CÒN TIẾP...

Tags :

LỜI PHẬT DẠY
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: