Giao hàng lắp đặt miễn phí Với đơn hàng nội thành Hà Nội
Tích điểm nhận quà Áp dụng với khách hàng thân thiết
Hỗ trợ 24/7 Hãy gọi chúng tôi để được tư vấn

SỐNG TRONG TỪNG HƠI THỞ (P.5)

... TIẾP THEO

NGŨ TRIỀN CÁI

Đây là 5 hiện tượng phóng túng gây nhiều trở ngại cho sự giác ngộ tâm linh, bao gồm ái dục, sân hận, hôn trầm, trạo cử và nghi ngờ.

– Ái dục

Hiện tượng ngăn che đầu tiên của sự giác ngộ là dục niệm. Theo quan điểm Phật giáo, dục niệm bao gồm năm phương diện tham đắm của con người (ngũ dục) là tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ. Năm nhóm ái dục này được xem là những trở ngại rất lớn cho người thiền giả trên con đường tu tập bốn lãnh vực quán niệm.

Khi trong tâm chợt phát khởi một ý niệm ái dục, tâm thức chỉ cần ghi nhận rõ ràng về sự phát khởi của dục niệm đó. Ngay khi một ý niệm ái dục phát khởi và tâm thức đã giác tỉnh nhận biết được liền, thì ngay đó làn sóng dục niệm cũng đã bị giảm suy ít nhiều. Hãy đưa tâm trí trở về với hơi thở ý thức. Thở vào, ta biết ta đang thở vào và ta biết có một dục niệm đang sinh khởi. Thở ra, ta biết ta đang thở ra và ta biết dục niệm đó đang suy diệt.

Ta quán sát và ghi nhận sự phát khởi, tăng trưởng, suy yếu và hoại diệt của các dục niệm. Ta chỉ cần khách quan ghi nhận về điều đó. Hãy thụ động ngắm nhìn mọi dục niệm như gió thoảng, như mây bay, tâm thức sẽ tìm thấy sự bình an ít nhiều.

– Sân hận

Khi một sân niệm trỗi dậy trong tâm thức, ta chỉ cần khách quan ghi nhận về sự phát khởi của nó. Nhận biết trong tâm đang có một ý niệm sân hận. Cũng như phương thức đối trị về dục niệm, tâm trí hoàn toàn thụ động để ghi nhận quá trình sinh diệt của các ý niệm sân hận.

Hãy bình tâm để quán sát mọi sân niệm. Hãy nhận biết một cách tỉnh thức trong suốt quá trình sinh khởi, tăng trưởng, giảm suy và hoại diệt của nó. Hãy cố gắng giữ thân tâm bình thản với lửa lòng sân niệm. Đừng nói một lời nào. Đừng suy nghĩ bất cứ điều chi. Cũng đừng vội làm bất cứ một việc gì. Hãy đưa tâm trí trở về với hơi thở ý thức. Thở vào, ta biết ta đang thở vào và ta biết có một sân niệm đang sinh khởi. Thở ra, ta biết ta đang thở ra và ta biết sân niệm đó đang tăng trưởng. Thở vào, ta biết ta đang thở vào và ta biết sân niệm đó đang suy giảm. Thở ra, ta biết ta đang thở ra và ta biết sân niệm đó đang hoại diệt.

Khi ý niệm giận dữ phát sinh, tâm thức nhận biết tỉnh giác được liền, thì ngay đó ngọn đuốc sân hận cũng đã bị giảm suy ít nhiều. Hãy duy trì hơi thở trong ý thức. Khách quan ghi nhận mọi vận hành biến chuyển và suy diệt của sân niệm. Với hơi thở ý thức, với sức mạnh của định lực tập trung, với ánh sáng của sự tỉnh giác chánh niệm, thân tâm sẽ trở nên tươi mát lại và sân niệm cũng sẽ dần tan biến đi.

– U mê và buồn ngủ (hôn trầm)

Khi đang ngồi thiền, đôi lúc trong tâm có sự mờ mịt, tưởng thức mơ màng như buồn ngủ, ta hãy ý thức về điều đó. Khách quan ghi nhận sự phát khởi của nó. Hãy đưa tâm trí trở về với hơi thở. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Ta biết là ta đang có sự u mê và buồn ngủ. Khi tâm trí khách quan nhận biết về sự u mê đang phát sinh thì ngay đó ánh sáng tâm thức cũng đã tự tỏ sáng lại phần nào.

Đối với tất cả ý niệm mơ màng và buồn ngủ trỗi dậy trong lúc ngồi thiền, ta chú tâm ghi nhận và quán sát khách quan về tất cả mọi diễn biến trong suốt quá trình sinh diệt của nó. Ta an trú trong sự quán niệm: “Có sự u mê và buồn ngủ trong tâm thức đây”. Với sự ghi nhận như vậy đủ để giúp ta quán chiếu và ý thức sự có mặt của hôn trầm và mê muội trong tâm thức.

– Giao động bất an (trạo cử) và hối hận

Lúc đang ngồi thiền, đôi khi có những giao động trong tâm trí, cảm thức như thân xác bị động chuyển, gây tạo cho tâm thức bất an. Khi ấy, cảm thức của thân và tâm trong sự giao động ấy cũng giống như đang ngồi trên một con thuyền bềnh bồng giữa biển khơi.

Khi tâm thức xao xuyến bất an, hãy cố gắng nhận biết về điều đó. Khách quan ghi nhận như vậy đúng như thật. Hãy giữ sự bình tâm để quán sát sự việc. Hãy bình thản nhẹ nhàng đưa tâm trí trở về với hơi thở. Hãy tập trung tất cả tâm trí vào hơi thở. Thở vào, ta biết ta đang thở vào và ta biết thân thể đang có sự giao động. Thở ra, ta biết ta đang thở ra và ta biết tâm thức đang có sự bất an.

Hãy thực tập thản nhiên mà nhìn sự việc, khách quan ghi nhận về sự giao động bất an để thấy sự sinh khởi và hoại diệt vô thường của nó.

Ngoài những giao động trạo cử trong lúc ngồi thiền, còn có những chuyển tiếp ảnh hưởng khác nơi thân tâm trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, hoặc qua những lời nói vô ý thức, hoặc trên những biến động tâm tư, hoặc từ những hành động vụt chạt. Thí dụ, làm việc cẩu thả, đi đứng thiếu chỉnh tề, nói năng lung tung, tư tưởng tán loạn, lăng xăng mất bình tỉnh… Tất cả đó đều được xem là những giao động bất an của thân tâm.

Đôi khi ý niệm trỗi dậy trong lúc hành thiền, với những nghĩ tưởng hối hận về hành vi mình đã làm, về công việc mình bất cẩn, về việc mình nên làm mà lại không làm, về ngôn từ mình đã nói trong lúc giận dữ, về cách cư xử thô tệ với người, gây tạo cho ta những buồn phiền hối hận trong nội tâm. Đối với những ý niệm sầu ưu như vậy, tâm thức cần tỉnh giác ghi nhận về điều đó. Hãy đưa tâm trí trở về với hơi thở ý thức. Thực tập bình thản mà nhìn sự việc, từ lúc nó phát sinh, tăng trưởng, suy yếu, cho đến khi nó hoàn toàn tan biến đi.

Hãy nhìn ngắm sự việc một cách khách quan. Không dính mắc đến đề mục “ta” “của ta” trong quá trình quán niệm. Chỉ cần nhận biết khách quan: “Có những ý tưởng hối hận đây”. Tỉnh giác nhận biết đúng như vậy và thản nhiên trở về với hơi thở ý thức. Thở vào, ta biết ta đang thở vào và nhận biết ta đang có sự hối hận. Thở ra, ta biết ta đang thở ra và nhận biết ta đang có sự ray rứt. Thực tập ghi nhận và tiếp xúc với sự hối hận một cách thản nhiên. Và rồi sự hối hận sẽ tự chìm lắng xuống và tan biến đi, như mây bay ngang, như gió phôi tàn.

Sự ghi nhận và quán sát về sự hối hận cần phải thật khách quan. Đừng suy nghĩ quá nhiều về “ta”. Cố gắng tỉnh giác để không bị rơi vào vòng quay loạn náo của tư duy.

Sự ghi nhận về hối hận nên hiểu là khách quan nhận biết về những sai lầm ta đã làm, để không tạo dựng thêm những khổ đau. Tự tâm quán chiếu để soi sáng tâm thức với ngọn đuốc giác tỉnh, để không tạo tác lần nữa những lỗi lầm cho mình và cho người.

Như vậy, sự nhận biết về hối hận không phải để ưu tư ray rứt mà trở lại xâu xé cõi lòng. Ta cần tỉnh biết chánh niệm để nhìn ngắm những đợt sóng sầu ưu đó.

Bất cứ sự giao động nào gây tạo cho tâm thể bất an, hãy liền nhận biết đúng như vậy. Ta biết ta đang có sự giao động. Ta biết ta đang có sự bất an. Chỉ khách quan thụ động nhận biết như vậy, thế thôi. Không chạy đuổi theo để phân tích sự kiện. Hãy đưa tâm trí nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Chỉ hơi thở đây là vấn đề tối quan trọng mà ta phải để hết tâm sức vào sự an trú. Không mổ xẻ phân tích nghĩ suy, cũng không bận tâm về bất cứ điều gì. Tâm trí chỉ cần ghi nhận sáng suốt, nhận biết rõ ràng ngay khi vọng tưởng phát sinh, tăng trưởng, suy yếu và tan biến đi. Hãy nắm giữ lấy hơi thở. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Thản nhiên mà ngắm nhìn sự kiện phát khởi đổi thay trong từng mỗi phút giây vô thường.

Tóm lại, nếu như có một ý niệm giận dữ đang trỗi dậy, ta nhận biết: “Có một ý niệm giận dữ đây”, rồi nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Nếu như có sự mê muội buồn ngủ đang phát sinh, ta nhận biết: “Có sự mê muội buồn ngủ đây”, rồi nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Nếu như có sự biến động bất an trong tâm thức, ta nhận biết: “Có sự bất an đây”, rồi nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Thực tập bình thản trong ý thức giác tỉnh. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Cố gắng duy trì hơi thở trong ý thức và thản nhiên mà ngắm nhìn sự việc.

Mọi ý tưởng có sinh có diệt. Sự giao động có đến có đi. Cảm thức có phát khởi có tan biến. Những gì đến cứ để nó đến, không xao xuyến mến ưa. Những gì đi cứ để nó đi, không nuối tiếc sầu ưu. Hãy thực tập nhận định sự việc như Thiền sư Shunryu Suzuki – “Chính ngươi đã tạo dựng ra những làn sóng trong tâm tư ngươi, nếu cứ thản nhiên để tâm trí bình thường, thì tâm trí sẽ tự trở thành vắng lặng” (Zen Mind). Một ý tưởng khởi dậy, một giao động phát sinh, tất cả cũng chỉ là những trỗi dậy diệt sinh vô thường của các ý niệm trong tâm thức.

Sự ghi nhận về giao động bất an không những chỉ thực tập trong lúc ngồi thiền mà còn phải tỉnh biết ghi nhận về điều đó trong mọi thời lúc. Khi đang đi, đang đứng, đang ngồi, đang nằm, hay đang làm việc, nếu tâm thức bất an, thần trí giao động, hãy tỉnh biết ghi nhận về điều đó. Những khi tâm trí không còn giao động bất an, ta cũng liền nhận biết sáng suốt về điều đó. Hãy cố gắng duy trì hơi thở trong ý thức. Hãy nhìn vào tâm thức chính mình để thấy rõ sự sinh khởi và hoại diệt của mọi vọng động biến sinh vô thường.

Ma cảnh

Riêng về phần giao động bất an, cần nói thêm về các cảnh giới huyễn ảo gây tác hại đến tâm thức, tạo cho tâm trí bất an và sợ hãi. Đó là kinh nghiệm khi đi vào thiền định, ở giai đoạn khi mà hơi thở trở nên vi tế, tâm thể vắng lặng, thỉnh thoảng có những cảnh giới khác nhau xuất hiện trong tâm thức.

Hãy kinh nghiệm lấy chính mình. Trong bất cứ cảnh giới nào, tốt đẹp, xấu ác, siêu nhiên, hay ghê gớm, cũng phải thật bình tâm quán chiếu: “Tất cả các pháp đều như mộng huyễn” – Nhất thiết chư pháp giai như huyễn (Ngộ Tánh Luận – Bồ Đề Đạt Ma). Hãy quán chiếu đấy chỉ là những tưởng vọng lung linh của tâm thức. Tất cả không có thật. Chỉ là ảo ảnh, chỉ là tưởng suy, gây ra những biến hình muôn trạng. Những gì có hình tướng đều là giả dối hư tạo (Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng – Kinh Kim Cang).

Hãy cố gắng định tĩnh. Khách quan ghi nhận: “Có một cảnh giới ảo tưởng đang phát sinh”. Rồi nhẹ nhàng trở về với hơi thở. Hãy cố gắng duy trì hơi thở trong ý thức. Những cảnh giới tư duy đều là huyễn mộng. Hãy tỉnh biết: “Tất cả những gì có hình tướng, như chiêm bao huyễn ảo, như bọt nước bóng mờ, như sương rơi, như ánh chớp, phải luôn xem là vậy” (Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điển, ưng tác như thị quán – Kinh Kim Cang).

– Nghi ngờ

Đây là hiện tượng ngăn che thứ năm trong ngũ triền cái. Có thể sự nghi ngờ trỗi dậy trong lúc ngồi thiền, nhưng cũng có thể phát khởi trong mọi thời lúc khác. Tất cả bao gồm những nghi ngờ về lời kinh Phật, về chân lý Như Lai, về công phu hành trì, về kinh nghiệm thiền tập, về những sự việc đã xảy ra, về những người quanh ta. Tất cả đều xem như sự nghi ngờ phát sinh trong tâm thức.

Những khi trong tâm có sự nghi ngờ, ta liền nhận biết đúng như vậy. Chú tâm ghi nhận và quán sát về các ý niệm nghi ngờ đó. Nhận biết về quá trình sinh khởi cũng như quá trình hoại diệt của nó bằng tất cả sự sáng suốt. Thở vào và thở ra trong giác tỉnh. An trú tâm trong sự quán niệm: “Có sự nghi ngờ đang phát khởi trong tâm thức”, như vậy đủ để giúp ta quán chiếu và ý thức được sự biến diệt vô thường của những nghi ngờ trong tâm thức.

Cố gắng không để bị vướng mắc vào nội dung của sự nghi ngờ. Không chạy đuổi theo nó. Không phân tích mổ xẻ vấn đề. Cố gắng duy trì hơi thở trong ý thức. Thở vào, ta biết ta đang thở vào. Thở ra, ta biết ta đang thở ra. Ta ý thức rõ ràng về từng hơi thở. Tâm trí chỉ cần khách quan ghi nhận: “Có sự nghi ngờ đây”, thế thôi. Hãy thực tập thản nhiên tiếp xúc với mọi biến động trong tâm thức. Hơi thở ý thức là nền tảng vững chắc để duy trì ánh sáng chánh niệm trong từng mỗi phút giây thực tại.

NGŨ UẨN

Thực tập quán chiếu về sự bám víu vào ngũ uẩn (sắc thọ tưởng hành thức) và sự ràng buộc của sáu nội ngoại xứ (mắt tai mũi lưỡi thân ý, sắc thanh hương vị xúc pháp) là những bước thực tập chính yếu trong quá trình quán niệm về các đối tượng tâm thức.

Lãnh vực đầu tiên của ngũ uẩn là sắc. Tự mình quán niệm như sau: “Đây là hình sắc. Đây là sự phát sinh của hình sắc. Đây là sự hoại diệt của hình sắc”.

Sắc ở đây có nghĩa là thân xác, do tứ đại đất nước lửa gió hợp thành, trong đó có gan, tim, máu, mủ, hơi thở, nhiệt… Khi xác thân bị hoại diệt, các cấu thể từ thân xác sẽ trở về với vũ trụ. Không có sự thêm. Không có sự bớt. Không có sự được. Không có sự mất. Hãy quán chiếu: “Năm uẩn như mây bay qua rồi bay lại” (Ngũ ấm phù vân không khứ lai – Chứng Đạo Ca). Hãy chú tâm quán sát sự sinh khởi và hoại diệt của hình sắc, ở bên trong thân thể, ở bên ngoài thân thể, ở chính ta, ở những người quanh ta. Tất cả mọi vật thể đều không có tự tánh riêng biệt. Tất cả đều không. Như Thiền sư Shunryu Suzuki đã nhận định: “Cái mà chúng ta gọi là tôi chỉ là cánh cửa đong đưa đang di động khi chúng ta hít vào và khi chúng ta thở ra” (Zen Mind).

Nếu như một mai thân xác ta bị tan hoại, tim gan gởi về cho đất, hơi thở gởi về cho gió, sức nóng trong cơ thể gởi về cho lửa, mủ máu gởi về cho nước… rồi thì thân xác đây không còn gọi là thân xác nữa. Đó là sự tan rã của hình sắc. Tất cả và tất cả đều không có tự tánh riêng biệt. Mọi sự việc đều vô thường biến đổi. Đó là bản chất thật của cuộc đời. Sắc tức là không, không tức là sắc. Không có gì thêm, không có gì bớt. Không có gì tăng, không có gì giảm. Tất cả chỉ là sự biến dịch trở về. Với sự hành trì pháp quán thân tinh chuyên và đúng phương pháp, ta có thể đạt được sự hiểu biết lớn về bản chất vô thường, khổ và vô ngã của sắc uẩn.

Lãnh vực thứ hai của ngũ uẩn là thọ. Tự mình quán niệm như sau: “Đây là cảm thọ. Đây là sự phát sinh của cảm thọ. Đây là sự hoại diệt của cảm thọ”.

Như đã trình bày ở phần quán thọ, cảm thọ là những xúc cảm thọ nhận, bao gồm các cảm giác dễ chịu, các cảm giác khó chịu, các cảm giác không dễ chịu cũng không khó chịu. Cảm thọ phát khởi do sự tiếp xúc của sáu căn với sáu trần. Sáu căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu trần là hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm và tư tưởng. Mắt thấy sắc màu nên sinh mến chuộng, tai nghe tiếng chửi nên sinh buồn khổ, mũi ngửi mùi hôi nên sinh khó chịu, lưỡi nếm vị ngọt nên sinh ưa thích, thân xúc chạm vật thể nên sinh mến yêu, ý khởi niệm phiền lo nên sinh sợ hãi. Với sự hành trì pháp quán thọ tinh chuyên và đúng phương pháp, ta có thể đạt được sự hiểu biết lớn về bản chất vô thường, khổ và vô ngã của thọ uẩn.

Trên lãnh vực quán thọ, ta chỉ cần tỉnh biết sáng suốt và ghi nhận rõ ràng về từng cảm giác đang thọ nhận, ngay lúc nó phát sinh, tăng trưởng, suy yếu, cho đến khi nó hoàn toàn tan biến đi. Như khi nhận biết mình đang có một cảm giác sợ hãi, thì ngay đó sự sợ hãi đã bị giảm suy phần nào bởi ảnh hưởng của sự định tĩnh có được từ hơi thở ý thức. Ta khách quan ghi nhận và quán sát về sự sinh khởi và hoại diệt của nó, để trực nghiệm bản chất vô thường, khổ và vô ngã của cảm thọ, để không còn bám víu vào những biến dịch phù du của thọ uẩn.

Lãnh vực thứ ba của ngũ uẩn là tưởng. Tự mình quán niệm như sau: “Đây là tri giác. Đây là sự phát sinh của tri giác. Đây là sự hoại diệt của tri giác”.

Tưởng có nghĩa là tri giác, tức là sự nhận biết của các giác quan, phát sinh từ sự tiếp xúc của sáu căn với sáu trần.

– Mắt thấy hình sắc

– Tai nghe âm thanh

– Mũi ngửi mùi hương

– Lưỡi nếm các vị

– Thân xúc chạm vật thể

– Ý biết các tư tưởng

Do bởi có mắt và có hình sắc, mắt tiếp xúc với hình sắc mà khởi sinh sự nhận biết của cái thấy. Do bởi có tai và có âm thanh, tai tiếp xúc với âm thanh mà khởi sinh sự nhận biết của cái nghe. Do bởi có mũi và có mùi hương, mũi tiếp xúc với mùi hương mà khởi sinh sự nhận biết của cái ngửi. Do bởi có lưỡi và có vị nếm, lưỡi tiếp xúc với vị nếm mà khởi sinh sự nhận biết của cái nếm. Do bởi có thân và có vật thể, thân tiếp xúc với vật thể mà khởi sinh sự nhận biết của sự xúc chạm. Do bởi có tâm ý và có tư tưởng, tâm ý tiếp xúc với tư tưởng mà khởi sinh sự nhận biết của các nghĩ tưởng.

Ta chú tâm ghi nhận và quán sát đây là tri giác, đây là sự phát sinh của tri giác, do bởi có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý tiếp xúc với hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm, tư tưởng mà có sự nhận biết của tri giác. Như khi ý thức về sự nhận biết của tri giác, thì ngay đó sự ràng buộc của các ý niệm trong tâm thức cũng đã bị giảm suy ít nhiều bởi ảnh hưởng của sự định tĩnh có được từ hơi thở ý thức. Ta khách quan ghi nhận và quán sát sự sinh khởi và hoại diệt của nó, để trực nghiệm bản chất vô thường, khổ và vô ngã của trí tưởng, để không còn bám víu vào những phù du biến động của tưởng uẩn.

Lãnh vực thứ tư của ngũ uẩn là hành. Tự mình quán niệm như sau: “Đây là sự vận hành tâm tư. Đây là sự phát sinh của sự vận hành tâm tư. Đây là sự hoại diệt của sự vận hành tâm tư”.

Hành có nghĩa là tâm tư, tức là sự vận hành lưu chuyển của các luồn tư tưởng phát khởi và diễn biến liên tục trong tâm thức. Dòng suy tưởng không bao giờ ngừng nghỉ. Hết ý niệm này thì đến suy tưởng khác. Vừa nghĩ đến ý tưởng này thì ý tưởng kia đã tan biến. Vừa nghĩ đến ý tưởng nọ thì ý tưởng kia đã lắng chìm. Đây là sự phát sinh của tâm tư. Đây là sự hoại diệt của tâm tư. Những niệm tưởng nghĩ suy sinh sinh diệt diệt vô cùng tận.

Hành trì pháp quán niệm tâm nghiêm mật và đúng phương thức, ta có thể đạt được sự hiểu biết lớn về bản chất vô thường, khổ và vô ngã của tưởng uẩn và hành uẩn.

Lãnh vực thứ năm của ngũ uẩn là thức. Tự mình quán niệm như sau: “Đây là ý thức phân biệt. Đây là sự phát sinh của ý thức phân biệt. Đây là sự hoại diệt của ý thức phân biệt”.

Thức có nghĩa là ý thức hiểu biết phân biệt về sự việc. Thức phát sinh do sự tiếp xúc của sáu căn với sáu trần. Tất cả bao gồm có sáu thức:

– Nhãn thức (sự phân biệt của mắt)

– Nhĩ thức (sự phân biệt của tai)

– Tỷ thức (sự phân biệt của mũi)

– Thiệt thức (sự phân biệt của lưỡi)

– Thân thức (sự phân biệt của thân)

– Ý thức (sự phân biệt của ý)

Khi mắt nhìn thấy hình sắc, tâm có sự nhận biết về hình sắc và có sự phân biệt đẹp xấu trắng đen. Khi tai nghe thấy tiếng động, tâm có sự nhận biết về âm thanh và phân biệt loại âm thanh gì, lớn nhỏ, ồn náo hay dễ chịu. Khi mũi ngửi thấy mùi hương, tâm có sự nhận biết về mùi hương và có sự phân biệt thơm hôi. Khi lưỡi nếm được mùi vị, tâm có sự nhận biết về mùi vị và phân biệt mặn ngọt hay đắng nồng ra sao. Khi thân có sự xúc chạm vào vật thể, tâm có sự nhận biết về sự xúc chạm và có sự phân biệt vật đó là vật gì, lớn hay nhỏ, mềm hay cứng. Khi tâm trí sinh khởi một ý tưởng, tâm có sự nhận biết về ý niệm và phân biệt ý niệm đó tốt hay xấu, thiện hay ác.

Ta khách quan ghi nhận và chú tâm quán sát: “Đây là năm uẩn”, “Đây là sự phát sinh của năm uẩn”, “Đây là sự hoại diệt của năm uẩn”, do bởi có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (sáu căn) tiếp xúc với hình sắc, âm thanh, mùi hương, vị nếm, xúc chạm, tư tưởng (sáu trần), mà có sự xúc cảm của thọ, có sự nhận biết của tưởng, có sự lưu chuyển tâm tư của hành, có sự phân biệt của thức.

Từ sự quán sát khách quan về ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), ta nhận biết về sự ô nhiễm ràng buộc của sáu căn và sáu trần, để soi thấu bản chất vô thường của sáu nội ngoại xứ, để không còn bám víu chấp chặt vào ngũ uẩn của tự thân.

CÒN TIẾP...

Bài viết trước Bài viết sau
Gửi bình luận của bạn: