KIỂM SOÁT ÁI DỤC

Đăng bởi CEO ALofavn vào lúc 13/03/2020
KIỂM SOÁT ÁI DỤC


HÓA GIẢI CÁI MUỐN
Ngày nào chưa trừ diệt được bản năng Ái Dục thì ngày đó cái Muốn sâu thẩm vẫn còn tồn tại trong tâm thức của chúng ta. Dù chúng ta sống rất mẫu mực, rất đạo đức, rất luân lý thậm chí khi đã xuất gia quyết dứt trừ Ái Dục, cắt ái từ thân thì cái gốc của Ái Dục vẫn âm ĩ tồn tại giống như cỏ dại dù chặt đứt ngọn thì rễ cỏ vẫn còn và sẽ còn sinh sôi. Chỉ cần sự kiêu ngạo, sự sân hận, sự giải đãi tồn tại đủ lâu thì lập tức Nhu Cầu Ái Dục liền bức bách đòi hỏi vì đó là bản năng của tất cả chúng sinh trong cõi dục.

Chúng ta chỉ có thể gieo đủ nhân duyên để khống chế Ái Dục, giữ gìn đủ giới hạnh để vượt lên và kiểm soát Ái Dục. Chờ cho đến khi chứng được Sơ Thiền ( tạm mất bản năng Ái Dục ) hoặc Tam Quả Thánh A Na Hàm ( Dứt sạch Bản Năng Ái Dục ) thì mới yên ổn. Đọc đến đây sẽ có người thắc mắc vậy Thiền Mức và Quả Thánh trong Đạo Phật được đề cập khác nhau điều gì?
- Thiền Mức chính là những trạng thái vi diệu mà hành giả đạt được khi đủ phước và sự tinh tấn nhiếp tâm thanh tịnh. Khi chứng Thiền thì vẫn còn có thể thoái đọa được nên chưa bảo đảm. Và chưa hề chắc người có thần thông, có thiền mức là Thánh.
- Thánh Quả chính là những trạng thái phi thường mà hành giả đạt được khi đủ phước, đủ đạo đức, đủ đại nguyện, đủ giới hạnh, đủ trí tuệ, đủ sự tinh tấn nhiếp tâm thanh tịnh. Khi chứng Thánh rồi thì không thể thoái lui được nữa. Chứng Thánh thì cũng chứng đắc sâu dần Thiền Mức luôn. Và để chứng Thánh thì không hề đơn giản một chút nào.

Ai càng kiểm soát được Ái Dục chừng nào thì càng bản lĩnh, đức độ, thông tuệ chừng đó. Nếu thả trôi ra thì tâm chúng ta sẽ liên tục nghĩ về Ái Dục. Sẽ liên tục muốn bận tâm về yêu đương, ái luyến như loài thú. Nhưng vì chúng ta có lý lẽ của loài người, có đạo đức của Thánh hiền, có tri thức của thời đại, có chuẩn mực của xã hội nên chúng ta biết khống chế, biết kiềm giữ chính mình lại tránh chạy theo những tư tưởng sai lầm.

Người nhẹ Ái Dục được định nghĩa là người rất ít khi nghĩ về, muốn về nhu cầu Ái Dục trong tâm hồn và cuộc sống. Thật ra là ít thôi chứ những nhu cầu thì vẫn tồn tại. Môi trường sống của Cư Sĩ trần tục thật sự rất khó để cho hành giả có thể toàn tâm toàn lực khống chế được Ái Dục. Cho nên từ ngày xưa Đức Phật đã cảm thông cho Cư Sĩ và đưa ra các giới luật căn bản, giảng dạy các bài pháp về Gia Đình, về trách nhiệm của Cư Sĩ để hòng giúp Cư Sĩ gieo được nhân duyên tu hành, tạo thêm được công đức và có thêm thời gian tích lũy trí tuệ, đạo hạnh để ngày nào đó bước vào hàng ngũ xuất gia. Đức Phật luôn nói đến sự nguy hiểm của Ái Dục, luôn ca ngợi đời sống Diệt Dục nhưng luôn giảng dạy về đời sống chuẩn mực đạo đức cho Cư Sĩ tại gia. Điều này cho chúng ta thấy trí tuệ phi thường của Đức Phật trong sự giáo hóa chúng sinh. Chúng ta cũng vậy, khi thấy ai đó phạm lỗi lầm đừng quá lên án, đừng quá trách móc vì thật sự có ai đủ thiện căn chứng Thánh ngay đâu. Hãy từ ái, hãy bao dung, hãy thực tế mà áp dụng những đạo lý tùy căn cơ của từng đối tượng giúp họ tìm thấy nơi nương náu trong Chánh Pháp rồi dần dần họ sẽ tiến bộ nhiều hơn. Giống như Đức Phật dạy cho Cư Sĩ phải biết chung thủy, sắc son, hiếu nghĩa trong hôn nhân, trong tổ ấm, trong gia đình rồi hướng về lý tưởng Giác Ngộ. Vì Ngài biết Chung Thủy là nền tảng của Thanh Tịnh. Không thể nào ép một người chưa đủ căn cơ chấp nhận một đời sống diệt dục hoàn toàn. Sự trung dung của Phật, đạo lý của Phật là sâu sắc, vi tế như thế. Chỉ sợ là chúng ta tà kiến hay diễn giải cực đoan khiến cho nhiều người hiểu lầm về Đạo Phật.

Một vị xuất gia theo Phật tu hành từ bỏ đời sống thế tục. Lấy Chúng Sinh làm thân quyến, lấy Giới Pháp làm mái nhà thì ý chí của những vị này phải là cực kỳ to lớn. Cái hiểu, cái thấm thía về sự khổ đau của cuộc đời, sự bất an của Ái Dục, sự vô thường tàn hoại của nhân sinh trong tâm các vị đã chín muồi khiến các vị khát khao đi tìm lý tưởng Giải Thoát vượt ngoài sự thường tình của nhân thế. Các vị tu hành và nếp mình trong giới bổn Patimokkha để giữ gìn sự thanh tịnh của một tu sĩ. Ban đầu từ cư sĩ mà trở thành tu sĩ các vị sẽ khá vất vả để giữ gìn tịnh giới nhưng bằng sự khiêm hạ trong giáo pháp, bằng sự tinh tấn hành thiền, bằng phước và trí sau nhiều năm các Ngài sẽ làm chủ và vượt lên được khỏi Ái Dục tầm thường. Trạng thái này nếu tồn tại đủ lâu kèm theo nhiều giới hạnh, công phu cần thiết thì các Ngài sẽ chứng ngộ tâm linh trở thành những bậc tăng ni xuất chúng làm mô phạm cho đời, làm bồ đề cho chúng sinh nương tựa. Đối với Chư Tăng Ni thì đời sống thanh tịnh thật sự là niềm hạnh phúc vi diệu mà Ái Dục không thể sánh bằng. Chúng ta vì chưa thanh tịnh nên không thể hiểu được niềm hạnh phúc đó. Mỗi chúng ta cũng đều phải phát nguyện về một đời sống xuất gia tu hành chân chính vì sự thật thế gian này là tạm bợ, Ái Dục này bản chất vẫn là khổ đau. Chúng ta cứ phát nguyện, cứ chiêm nghiệm và cứ sống trách nhiệm trong thế gian này. Ngày nào đó đủ duyên phước thì sẽ được xuất gia.

Chúng ta có 2 công thức:
Ta muốn người khác thế nào ta sẽ trở thành thế đó.
Ta ủng hộ cái muốn gì của người khác, ta sẽ xuất hiện cái muốn đó.

Khi tâm chúng ta cứ bị Ái Dục sai sử dữ dội thì phải hiểu rằng trong quá khứ ta đã từng có những cái muốn sai lầm. Ta đã muốn ai đó quan hệ với ta, ta đã muốn ai đó chỉ là của riêng ta, ta đã muốn ai đó phải luôn thao thức nhung nhớ ta, ta đã muốn ai đó phải thỏa mãn cho ta… thì bây giờ ta phải bấn loạn, bị cái muốn đòi hỏi bức bách trở lại như vậy. Hay ngày trước ta vô tình đồng ý, ủng hộ cho ai đó trong một việc bê bối Ái Dục thì giờ đây ta cũng khởi những ý nghĩ bậy về Ái Dục.

Cho nên chúng ta cần phải sửa lại:
- Trước nhất phải là tha thiết sám hối với Phật. Đem cái muốn xấu đang sai sử mình trong tâm ra mà trình lên Phật. Xin nương tuệ giác của Phật mà vượt qua cái muốn xấu này.
- Sau là phải dùng ý chí của mình khước từ những Cái Muốn này. Vì từng ý nghĩ coi vậy nó có giới hạn. Ta cứ quyết chí, tác ý khước từ đủ lâu thì tâm sẽ yên ổn trở lại. Rồi ý nghĩ xấu lại trở lại ta lại dùng đạo lý, dùng ý chí khước từ… cứ vậy tâm sẽ mạnh mẽ lên, đạo lực sẽ vững hơn.
- Trong đời sống, lúc nào cũng tìm cách hướng mọi người về sự lành mạnh, về sự chung thủy, về sự thanh cao. Trong tâm lúc nào cũng mong mọi người thương nhau bằng tâm từ bi, lúc nào cũng mong mình thường mọi người mà không cần đền đáp, lúc nào cũng nguyện khiêm tốn, vị tha.
- Nếu có duyên nợ với ai rồi thì phải mượn cái duyên đó mà hướng dần về sự tu hành thanh cao, hướng về điều thiện. Nếu đang cô đơn thì càng phải sống vị tha, yêu thương mọi người nhiều hơn thay vì tìm tòi một tình yêu vị kỷ.
- Chưa bình thản vượt qua được thì phải nên tránh xa các nguồn dễ gây động dục, ái luyến trên các phương tiện…
- Khi thấy ai có những tư tưởng, lời nói, hành động sai lầm về Ái Dục ta cứ tìm cách góp ý, ngăn cản, phê bình sao cho hợp lý là được. Có khi nhờ ta mà họ đỡ sai lầm thì ta cũng sẽ ít sai lầm.
- Thường lễ kính Phật với lòng tôn kính, thường ca ngợi những tâm gương đức hạnh, thanh tịnh.
- Tác ý quán thân vô thường nơi chính mình thường xuyên cũng làm lắng Ái Dục.
- Cố gắng hạn chế quan hệ tình dục dần dần. Dành thời gian tọa thiền nhiếp tâm, làm phước cho thật nhiều.
- Nếu ngày trước ta đã từng khoe thân, nói lời gợi tình thì giờ ta sửa lại, làm ngược lại sẽ ăn mặc kín đáo tránh gây động tâm cho mọi người, sẽ nói lời giá trị có lợi cho người.
- Cố gắng rèn luyện thể chất, siêng năng làm việc, phụng sự cống hiến để giải phóng bộ não khỏi những tư tưởng xấu.
- Tìm tòi đọc hiểu các tài liệu về lợi ích của đời sống thanh tịnh và tác hại của Ái Dục rồi truyền bá cho mọi người cùng biết.
- Sống lạc quan, vị tha tránh kích động sân hận cũng như tự cao vì ngã mạn là bạn thân của Ái Dục...

Ai cũng từng đã phạm lầm sai
Ít nhiều đều cũng đã bi ai
Thôi thì nương náu về Chánh Pháp
Yêu thương, tử tế đón ngày mai.
Ai cũng cần được sự yêu thương
Cảm thông, thấu hiểu vạn nẻo đường
Ta nguyện lắng nghe và tha thứ
Đưa người về với Phật thân thương.

Nguồn: KIỂM SOÁT ÁI DỤC
https://www.facebook.com/alofa.vn

Tags :

SỐNG KHỎE MỖI NGÀY TĨNH TÂM TÌNH YÊU
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: