Cần làm gì khi bị đau dây thần kinh tọa?

Đăng bởi Thuận Tánh vào lúc 12/12/2018
Cần làm gì khi bị đau dây thần kinh tọa?

Nếu bệnh không được chữa trị sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và sức lao động, lâu dần sẽ bị teo cơ dọc theo đường đi của dây thần kinh tọa, đại tiểu tiện không tự chủ và có thể gây tàn phế.

Đau dây thần kinh tọa gặp ở tất cả các lứa tuổi ở cả nam và nữ, tuy nhiên, thường gặp ở lứa tuổi từ 30-60, nam mắc nhiều hơn nữ. Một số nghề nghiệp phải thường xuyên mang vác nặng hay thường xuyên phải hoạt động ở một tư thế trong thời gian dài như: nhân viên văn phòng, người lớn tuổi, nông dân, công nhân, bốc vác, nghệ sĩ xiếc, balê, cử tạ, thể thao... dễ xuất hiện bệnh và tái phát bệnh nhiều hơn

Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa chủ yếu do tổn thương hoặc đĩa đệm thoát vị.

Nguyên nhân gây đau dây thần kinh tọa

Dây thần kinh tọa là một dây thần kinh dài nhất cơ thể, trải dài từ phần dưới thắt lưng đến tận ngón chân. Dây thần kinh tọa chi phối các động tác của chân, góp phần làm nên các động tác đi lại, đứng ngồi của hai chân.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau tác động vào nơi xuất phát vẫn là do những tổn thương ở cột sống thắt lưng như: Vận động quá sức hoặc không khoa học: bốc vác, vận chuyển đồ…với số lượng lớn hoặc làm trong thời gian lâu mà không nghỉ ngơi, ngồi không đúng tư thế trong một thời gian lâu sẽ gây ảnh hưởng đến cột sống và các đốt sống lưng, đốt sống cổ. Nếu để tình trạng này diễn ra một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến dây thần kinh và gây đau dây thần kinh tọa.

Thoát vị đĩa đệm là nguyên nhân thường gặp nhất dẫn đến đau dây thần kinh tọa. Thường gặp sau các động tác gắng sức mạnh không đúng tư thế của cột sống (cúi xuống nâng vật nặng sai tư thế, cử động đột ngột của thân...) hoặc do vi chấn thương kéo dài trong cuộc sống hàng ngày như: lái xe đường dài, tư thế xấu (như lệch người sang một bên hay cúi ra trước) trong thời gian dài.

Ngoài ra, các bất thường cột sống thắt lưng cùng: do dị tật bẩm sinh; Do viêm nhiễm tại chỗ (nhiễm khuẩn, nhiễm độc chì, bị lạnh, tiểu đường…); Do bị ung thư di căn cột sống (ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt, u buồng trứng…). Theo các nghiên cứu, nguyên nhân trong ống sống như u tủy và u màng tủy, áp-xe ngoài màng cứng vùng thắt lưng, viêm màng nhện tủy khu trú… cũng có thể dẫn đến đau dây thần kinh tọa.

Dấu hiệu nhận biết sớm

Người bệnh thường gặp phải một hoặc cùng lúc nhiều triệu chứng sau đây: Người bệnh thấy đau thắt lưng kèm đau lan dọc xuống chi dưới theo đường đi của dây thần kinh tọa. Cơn đau thường đột ngột xuất hiện sau khi gắng sức hoặc sang chấn vùng thắt lưng hoặc sau cú bước hụt (do thoát vị đĩa đệm).

Ðau thường liên tục hoặc từng cơn, giảm khi nghỉ ngơi và tăng khi đi lại nhiều. Mức độ đau thay đổi tùy thuộc cảm nhận của bệnh nhân từ âm ỉ cho tới đau dữ dội không chịu được. Trong trường hợp do nguyên nhân chèn ép đau tăng lên khi ho, hắt hơi, thậm chí khi rặn đại tiểu tiện. Ngoài ra, các biểu hiện khác kèm theo bao gồm các cảm giác như bị kiến bò ở bên bị bệnh hoặc thấy tê nóng, đau rát như dao đâm… Nếu quan sát lúc đi hoặc đứng ½ người bị hạ thấp, vẹo về bên lành. Khi đứng, chân bên đau có xu hướng hơi co lên, tay chống vào mạn sườn hoặc đầu gối bên đau.

Có thể gây tàn phế

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì bệnh đau dây thần kinh tọa sẽ rất dễ chuyển thành mạn tính, khó có phương pháp phục hồi hoàn toàn, người bệnh sẽ chịu sự đau đớn kéo dài, dễ tái phát, gây khó chịu bất tiện trong sinh hoạt và lao động hàng ngày, đồng thời ảnh hưởng đến sự vận động, đặc biệt là các động tác cúi, ngửa người, nghiêng người hoặc xoay người, có thể dẫn đến gù lưng, vẹo cột sống, teo cơ đùi, mông, cẳng chân, liệt chân và mất sức lao động. Nặng hơn có thể dẫn đến rối loạn cơ vòng (cơ tròn): giảm hoặc mất chức năng cơ vòng đường ruột và bàng quang gây bí tiểu tiện hoặc đại tiểu tiện không tự chủ.

Vật lý trị liệu hỗ trợ trong điều trị bệnh

Khi mắc bệnh, cần tuân thủ điều trị của bác sĩ, người bệnh cần nghỉ ngơi, nhất là trường hợp nặng. Bệnh nhân nên nằm giường cứng, tránh nằm võng hay ngồi trên ghế xích đu. Tránh vận động mạnh như xoay người đột ngột, chạy nhảy, cúi gập người.

Người bệnh sẽ được các bác sĩ, kỹ thuật viên hướng dẫn sử dụng vật lý trị liệu, trong đó có kéo giãn cột sống: Kéo giãn cột sống có thể thực hiện bằng tay trong giai đoạn cấp hoặc bằng máy kéo giãn trong giai đoạn bán cấp và mạn tính, áp dụng 1-2 lần/ngày, mỗi lần 15-20 phút.

Lời khuyên của thầy thuốc

Đau dây thần kinh tọa gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Do đó, việc chủ động phòng bệnh là rất quan trọng bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý trong đó thường xuyên tập thể dục nhẹ nhàng, không quá sức để nâng cao thể lực, áp dụng các bài tập tăng cường sự dẻo dai, khỏe mạnh của các khối cơ lưng cạnh cột sống, cơ bụng và tăng sự mềm mại của cột sống. Tránh mọi chấn thương cho cột sống, tránh ngã dồn mông xuống đất. Điều trị kịp thời các bệnh thoái hóa cột sống. Người bị đau thắt lưng tuyệt đối tránh các động tác thể thao hoặc vận động quá mức. Hạn chế rượu, bỏ thuốc lá, giảm cân với những người thừa cân béo phì. Nếu công việc đòi hỏi phải ngồi lâu nên thỉnh thoảng đứng lên thay đổi tư thế và làm các động tác thể dục giữa giờ. Khi có những triệu chứng của bệnh đau dây thần kinh tọa, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và có phương pháp điều trị kịp thời.

BS. Trần Đình Văn

Tags :

MẸO HAY
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: